Đêm 30-3, kho giữ xe vi phạm, tang vật của CSGT Công an TP Thủ Đức, TP.HCM đã xảy ra sự cố hỏa hoạn. Hiện lực lượng chức năng TP Thủ Đức vẫn đang xác định nguyên nhân và thiệt hại của vụ cháy.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là các phương tiện vi phạm, tang vật này ai sẽ chịu trách nhiệm nếu có yêu cầu bồi thường?
Khoản 5 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bổ sung năm 2020 và Điều 9 Nghị định 115/2013/NĐ-CP Quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính thì khi tạm giữ phương tiện giao thông, người lập biên bản tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm bảo quản phương tiện vi phạm hành chính. Trong trường hợp phương tiện vi phạm hành chính bị mất, bán trái quy định, đánh tráo hoặc hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Người trực tiếp quản lý, bảo quản phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ phương tiện.
Theo Điều 10 Nghị định 115/2013/NĐ-CP thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có phương tiện bị tạm giữ có quyền yêu cầu cán bộ quản lý lập biên bản về việc tài sản trong thời gian tạm giữ bị mất, đánh tráo, hư hỏng, thiếu hụt và yêu cầu cơ quan quản lý phương tiện bồi thường theo quy định của pháp luật. Để có căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ cháy này, chủ sở hữu xe cần có biên bản tạm giữ xe vi phạm, tình trạng xe, đời xe để xác định giá trị tài sản bị thiệt hại. Quy định này không áp dụng cho trường hợp xe đã bị tịch thu. Cụ thể:
Theo khoản 2, Điều 11 Nghị định 115/2013/NĐ-CP, cá nhân có xe bị tạm giữ có nghĩa vụ nhận lại xe theo đúng thời hạn ghi trong quyết định tạm giữ.
Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được ghi trong quyết định tạm giữ, nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ; hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày niêm yết công khai, thông báo cuối cùng trên phương tiện thông tin đại chúng, nếu người vi phạm không đến nhận hoặc không xác định được người vi phạm thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo quy định tại Điều 82 Luật Xử lý vi phạm hành chính và các quy định khác của pháp luật có liên quan. (Điều 17 Nghị định 115/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Khoản 8 Điều 1 Nghị định 31/2020/NĐ-CP) .
Trong quá trình xử lý, số xe này bị cháy nổ, hư hỏng thì trách nhiệm vẫn thuộc về người đang trực tiếp quản lý, bảo quản những tài sản nói trên nhưng thiệt hại được bồi thường sẽ đưa vào ngân sách. Nếu xác định được người nào có hành vi cố ý gây cháy nổ làm mất mát, hư hỏng thì cá nhân/cơ quan đang trực tiếp quản lý có quyền yêu cầu người đó phải bồi thường.