Nghiên cứu
Điều khoản chuyển tiếp (Điều 688) thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015
Trong văn bản quy phạm pháp luật, ở phần cuối của văn bản thường có quy định về Điều khoản thi hành. Điều khoản thi hành thường có Điều khoản chuyển tiếp và Điều khoản về hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, trong thực tế áp dụng những quy định này trong nhiều trường hợp khá phức tạp, còn có những vướng mắc phải giải quyết.
1.Quy định chuyển tiếp và thực tiễn vướng mắc
Trong văn bản quy phạm pháp luật, ở phần cuối của văn bản thường có quy định về Điều khoản thi hành. Điều khoản thi hành thường có Điều khoản chuyển tiếp và Điều khoản về hiệu lực thi hành. Điều khoản chuyển tiếp là quy định về trường hợp phải áp dụng pháp luật cũ hay những quan hệ pháp luật được xác lập trước thời điểm pháp luật mới có hiệu lực thì khi nào áp dụng pháp luật cũ, khi nào áp dụng pháp luật mới hay còn gọi là quy định hồi tố. Việc áp dụng pháp luật chuyển tiếp phải được quy định và thực hiện thống nhất vì áp dụng pháp luật khác nhau sẽ dẫn đến những quyết định rất khác nhau. Tình trạng vướng mắc này đang xảy ra khá nhiều trong hoàn cảnh Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) mới có hiệu lực (01/01/2017).
Ví dụ 1: Ông A bán nhà cho ông B vào năm 2013, chỉ có hợp đồng viết tay, không có công chứng, chứng thực. Hai bên thỏa thuận giá 01 tỷ đồng và ông B đã trả được 800 triệu đồng vào năm 2017. Năm 2018 mới xảy ra tranh chấp. Theo pháp luật ở thời điểm giao dịch năm 2013 (BLDS năm 2005 và Luật Nhà ở 2005) thì hợp đồng mua bán nhà ở vô hiệu do vi phạm về hình thức; Tòa án đã ấn định thời hạn để các bên hoàn thiện về hình thức mà vẫn không thực hiện thì Tòa án vẫn phải tuyên bố hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả tuyên bố vô hiệu. Vậy Tòa án có thể áp dụng quy định mới tại BLDS năm 2015 để công nhận hợp đồng có hiệu lực do một bên đã thực hiện được trên 2/3 nghĩa vụ (800 triệu/ 01 tỷ đồng) theo quy định tại Điều 129 hay không?
Ví dụ 2: Bà M cho bà N vay 500 triệu đồng từ năm 01/5/2015 với thỏa thuận lãi suất 1,5% tháng. Năm 2018, bà M kiện đòi trả nợ. Mức lãi suất 1,5%/tháng là quá cao ở thời điểm vay (18%/năm). Việc điều chỉnh lại lãi suất nếu áp dụng theo quy định của BLDS năm 2005 thì không quá 13,5%/năm (Điều 476) nhưng nếu theo quy định của BLDS năm 2015 thì còn được tới 20%/năm (Điều 468).
2. Mối quan hệ giữa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các pháp luật khác về quy định chuyển tiếp
Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật là: “1.Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó”.
Như vậy, nguyên tắc chung nhất là hành vi xảy ra ở thời điểm nào thì áp dụng pháp luật ở thời điểm đó. Khi văn bản quy phạm pháp luật cụ thể có quy định khác, như quy định hồi tố (có hiệu lực trở về trước) thì mới được áp dụng khác với nguyên tắc chung nhất nêu trên. Khi văn bản quy phạm pháp luật cụ thể không có quy định chuyển tiếp thì phải hiểu là đương nhiên thực hiện theo nguyên tắc chung nêu trên; chỉ quy định chuyển tiếp đối với một số giao dịch thì phải hiểu các giao dịch khác không được quy định sẽ phải được áp dụng nguyên tắc chung nêu trên.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là luật chung cho toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, khi luật chuyên ngành không quy định thì phải áp dụng luật chung. Phải trên cơ sở nguyên tắc đó để hiểu quy định của luật chuyên ngành và có đề xuất hướng dẫn hay giải thích cần thiết.
3. Về Điều 688 (Điều khoản chuyển tiếp) của Bộ luật Dân sự năm 2015
Khoản 1 Điều 688 quy định về việc áp dụng pháp luật cho các “giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực”, tức là trước 01/01/2017.
Điểm a của khoản 1 Điều 688 quy định: “Giao dịch dân sự chưa được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của Bộ luật này thì chủ thể giao dịch tiếp tục thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự 33/2005/QHH11, trừ trường hợp các bên của giao dịch dân sự có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung nội dung, hình thức của giao dịch để phù hợp với Bộ luật này và để áp dụng quy định của Bộ luật này.
Giao dịch dân sự đang được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy dịnh của Bộ luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11”.
Điểm a nêu trên quy định cho trường hợp giao dịch có “nội dung, hình thức khác” với quy định của bộ luật mới. Tuy nhiên, cần lưu ý là đây là quy định cho các ‘chủ thể giao dịch” tức là những người tham gia vào giao dịch, chứ không phải quy định áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp.
Điểm b của khoản 1 Điều 688 quy định: “Giao dịch dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật này”.
Điểm b này không nêu rõ quy định giành cho các chủ thể của giao dịch như điểm a nhưng việc có vị trí tiếp theo điểm a, quy định cùng về vấn đề giao dịch xác lập trước khi bộ luật mới có hiệu lực, “chưa thực hiện” hoặc “đang thực hiện”, chỉ khác là trường hợp có nội dung, hình thức giao dịch phù hợp với bộ luật mới thì cần được hiểu đây cũng là quy định cho chủ thể của giao dịch; không phải quy định áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp.
Điểm c khoản 1 Điều 688 quy định: “Giao dịch dân sự được thực hiện xong trước ngày Bộ luật này có hiệu lực mà có tranh chấp thì áp dụng quy định của Bộ luật số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 để giải quyết”.
Quy định của điểm c là áp dụng pháp luật “để giải quyết” tranh chấp. Đây là khác biệt cơ bản so với quy định của điểm a và điểm b. Nhưng quy định “để giải quyết” này mới chỉ cho trường hợp giao dịch dân sự “được thực hiện xong” trước ngày bộ luật mới có hiệu lực. Như vậy, trường hợp giao dich dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện thì Điều 688 không có quy định áp dụng pháp luật nào để giải quyết tranh chấp. Do Điều 688 không có quy định, vấn đề này sẽ phải trở lại áp dụng luật chung là Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Như vậy, trường hợp giao dịch dân sự xác lập trước khi bộ luật mới có hiệu lực mà chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện thì phải áp dụng pháp luật ở thời điểm xác lập để giải quyết tranh chấp.
4. Việc áp dụng những quy định chuyển tiếp trong Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP
Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm đã có một số nội dung quy định chuyển tiếp. Nội dung hướng dẫn về quy định chuyển tiếp trong Nghị quyết 01/2019 cũng thể hiện nguyên tắc áp dụng pháp luật của Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Nghị quyết 01/2019 có những quy định về khái niệm có thể tham khảo khi áp dụng quy định chuyển tiếp của Điều 688 như: hợp đồng được thực hiện xong; hợp đồng chưa được thực hiện; hợp đồng đang được thực hiện; hợp đồng có quy định phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015…
Từ quy định của Nghị quyết 01/2019, vướng mắc từ Ví dụ 2 nêu trên đã được hướng dẫn. Đây là hợp đồng vay tiền không phải hợp đồng tín dụng đang được thực hiện ở thời điểm Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực (01/01/2017). Đây cũng là hợp đồng có thỏa thuận về lãi suất phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2015 (mức lãi suất 18%/năm không vượt quá mức 20%/năm). Theo hướng dẫn của Nghị quyết 01/2019 thì lãi được tính trong khoảng thời gian từ 01/5/2015 đến 31/12/2006 phải theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 là 13,5 %/năm; từ 01/01/2007 đến khi xét xử sơ thẩm phải theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 là 18%/năm.
Có điểm đáng chú ý là tại Điều 688 chỉ nói đến Bộ luật Dân sự năm 2015 (Bộ luật này) và Bộ luật Dân sự năm 2005 (Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11) nhưng tại Nghị quyết 01/2019 lại quy định áp dụng cả Bộ luật Dân sự năm 1995. Điều này không trái nguyên tắc là điều khoản chuyển tiếp chưa quy định thì áp dụng quy định chung của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
5. Những vướng mắc cần tiếp tục giải quyết về quy định chuyển tiếp.
Nghị quyết 01/2019 đã có quy định để giải quyết Ví dụ 2, nhưng Ví dụ 1 nêu trên, cần phải được giải quyết như thế nào?
Có ý kiến cho rằng: Xác định tính chất của giao dịch (vô hiệu hay có hiệu lực, vô hiệu thuộc loại nào) thì căn cứ theo pháp luật ở thời điểm giao kết hợp đồng; xử lý hậu quả thì phải căn cứ vào pháp luật ở thời điểm xử lý. Vì vậy, trong Ví dụ 1, thời điểm giải quyết tranh chấp đã là thời kỳ thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015 nên có thể áp dụng Điều 129 để công nhận hợp đồng vì bên mua đã thi hành trên 2/3 nghĩa vụ trả tiền.
Cũng có ý kiến cho rằng: Việc giao kết hợp đồng ở thời điểm thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005 và Luật Nhà ở năm 2005 nhưng việc trả tiền là ở thời kỳ thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015 (trả 800 triệu vào năm 2017) nên phải xử lý việc trả tiền này theo Bộ luật Dân sự năm 2015.
Cần lưu ý rằng: Một quy phạm pháp luật đều có phần giả định, phần quy định, phần chế tài. Về kỹ thuật, nhà làm luật có thể thể hiện phần chế tài vào một nhóm nhưng về thực chất thì quy phạm pháp luật vẫn có 3 phần như nêu ở trên. Áp dụng một quy phạm pháp luật là áp dụng cả 3 quy định về giả định, quy định, chế tài. Một giao dịch được quy định là vô hiệu hay có hiệu lực đã đi kèm theo quy định về xử lý. Do vậy, không thể hiểu là khi giải quyết thì áp dụng pháp luật ở thời điểm giải quyết hoặc có hành vi xảy ra ở thời điểm luật mới là đương nhiên được áp dụng hồi tố. Do đó, trường hợp của Ví dụ 1 phải áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2005 và Luật Nhà ở 2005 tuyên bố hợp đồng vô hiệu do vi phạm quy định về hình thức của hợp đồng; ấn đinh một thời hạn để các bên hoàn thiện về hình thức, nếu vẫn không hoàn thiện về hình thức phải tuyên bố hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả tuyên bố vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005.
Có thể tóm lại là: Trừ những trường hợp đã được quy định tại Điều 688 và các văn bản pháp quy hướng dẫn (như Nghị quyết 01/2019), việc áp dụng pháp luật phải theo nguyên tắc áp dụng pháp luật ở thời điểm thực hiện hành vi, kể cả quy định về trách nhiệm từ hành vi đó.
Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (https://tapchitoaan.vn)