images

6 đối tượng không phải nộp tiền sử dụng đất khi cấp sổ đỏ năm 2023

Nhiều trường hợp, người dân làm sổ đỏ mà không cần phải nộp tiền sử dụng đất

Theo quy định của Luật Đất đai 2013, có 06 trường hợp người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất khi cấp sổ đỏ, cụ thể như sau:

(1) Trường hợp không phải nộp tiền sử dụng đất khi cấp sổ đỏ cho người sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất

– Theo khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai 2013, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp sổ đỏ và không phải nộp tiền sử dụng đất:

+ Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15/10/1993;

+ Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất;

+ Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15/10/1993 được UBND cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15/10/1993;

+ Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật;

+ Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất;

+ Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15/10/1993 theo quy định của Chính phủ.

(2) Trường hợp không phải nộp tiền sử dụng đất khi cấp sổ đỏ cho người sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất mang tên người khác

Theo khoản 2 Điều 100 Luật Đất đai 2013, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất khi có một trong các loại giấy tờ trên mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan, nhưng đến trước ngày 01/7/2014 chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật và đất đó không có tranh chấp.

(3) Trường hợp không phải nộp tiền sử dụng đất khi cấp sổ đỏ cho người sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất

Theo khoản 1 Điều 101 Luật Đất đai 2013, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày 01/7/2014 mà không có các giấy tờ tại khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai 2013 thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất khi có các điều kiện sau:

+ Có hộ khẩu thường trú tại địa phương.

+ Trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

+ Được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp.

(4) Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng khác từ trước ngày 15/10/1993

Theo Điều 6 Nghị định 45/2014/NĐ-CP, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng khác từ trước ngày 15/10/1993; tại thời điểm bắt đầu sử dụng đất không có một trong các hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thu tiền sử dụng đất trong trường hợp sau đây:

+ Trường hợp đất có nhà ở thì người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với diện tích đất ở đang sử dụng trong hạn mức công nhận đất ở cho mỗi hộ gia đình, cá nhân (phần vượt quá hạn mức vẫn phải đóng tiền sử dụng đất)

+ Trường hợp sử dụng đất có công trình xây dựng không phải là nhà ở, nếu được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp như hình thức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất với thời hạn sử dụng lâu dài thì không phải nộp tiền sử dụng đất.

(5) Trường hợp không phải nộp tiền sử dụng đất khi giao đất không đúng thẩm quyền trước 01/7/2014

– Theo điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 45/2014/NĐ-CP, người sử dụng đất có nhà ở từ trước ngày 15/10/1993 và có giấy tờ chứng minh về việc đã nộp tiền cho cơ quan, tổ chức để được sử dụng đất thì khi được cấp Giấy chứng nhận không phải nộp tiền sử dụng đất.

– Theo điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 45/2014/NĐ-CP trường hợp sử dụng đất có nhà ở ổn định trong khoảng thời gian từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/7/2004 và có giấy tờ chứng minh đã nộp tiền để được sử dụng đất mà giấy tờ chứng minh đã nộp tiền để được sử dụng đất theo đúng mức thu quy định của pháp luật đất đai năm 1993 thì không thu tiền sử dụng đất.

(6) Trường hợp không phải nộp tiền sử dụng đất trong trường hợp đã nộp tiền sử dụng đất để được sử dụng đất

– Theo khoản 3 Điều 100 Luật Đất đai 2013, hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của TAND, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, văn bản công nhận kết quả hòa giải thành, quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, nếu trước đây đã nộp tiền sử dụng đất thì không phải nộp tiền sử dụng đất.

– Theo khoản 4 Điều 100 Luật Đất đai 2013, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ ngày 15/10/1993 đến ngày 01/7/2014 mà chưa được cấp Giấy chứng nhận thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, nếu trước đây đã nộp tiền sử dụng đất thì không phải nộp tiền sử dụng đất.

Nguồn: phunutoday

images

Quy định tách thửa đất thổ cư, đất nông nghiệp mới nhất 2023

Để tách thửa đất thổ cư, đất nông nghiệp thành nhiều phần khác nhau thì thửa đất đó cần đáp ứng được những điều kiện mà pháp luật quy định.

Tách thửa đất thổ cư, đất nông nghiệp là gì?

Theo quy định của Luật Đất đai 2013 và Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 148/2020/NĐ-CP thì có thể hiểu tách thửa đất thổ cư, đất nông nghiệp là thủ tục phân chia quyền sử dụng đất và quyền sở hữu các tài sản gắn liền với đất thành nhiều thửa đất khác nhau.

Khi đó, từ một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các quyền sở hữu các tài sản gắn liền với đất sẽ được tách thành hai hay nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu các tài sản gắn liền với đất khác nhau.

Điều kiện tách thửa đất thổ cư, đất nông nghiệp mới nhất

Để một thửa đất thổ cư, đất nông nghiệp có thể phân chia thành nhiều phần khác nhau thì thửa đất đó cần đáp ứng được những điều kiện được quy định tại Điều 188 Luật Đất đai 2013, Điều 29 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Khoản 11 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT.

(i) Đất thổ cư, đất nông nghiệp muốn tách đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hoặc có đủ các điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định.

(ii) Thửa đất phải có diện tích bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh của địa phương đó.

(iii) Thửa đất không có tranh chấp.

(iv) Đất đang không bị kê biên để bảo đảm thi hành án có nghĩa là Tòa án đang không giữ giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu của mảnh đất đảm bảo việc thi hành án.

(v) Đất vẫn đang còn thời hạn sử dụng.

Ngoài các điều kiện chung nêu trên còn phải đáp ứng các điều kiện riêng theo Quyết định của Ủy ban nhân dân nơi có đất phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai.

Các trường hợp được tách thửa đất thổ cư, đất nông nghiệp

Theo quy định của Luật Đất đai 2013 và các quy định hướng dẫn liên quan thì người dân có thể thực hiện quyền tách thửa đất thổ cư, đất nông nghiệp trong các trường hợp sau đây:

– Chuyển nhượng một phần quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

– Thừa kế một phần quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

– Tặng cho một phần quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

– Thế chấp một phần quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

– Góp vốn một phần bằng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Thủ tục tách thửa đất thổ cư, đất nông nghiệp

Người sử dụng đất có mong muốn tách thửa đất thổ cư, đất nông nghiệp thì nộp một bộ hồ sơ đề nghị tách thửa tại bộ phận một cửa hoặc Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường nơi có đất để được giải quyết theo thẩm quyền.

Hồ sơ đề nghị tách thửa đất thổ cư, đất nông nghiệp bao gồm các giấy tờ sau:

– Đơn đề nghị tách thửa theo mẫu quy định của pháp luật;

– Bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Sau khi nhận được hồ sơ, Văn phòng đăng ký đất đai sẽ có trách nhiệm giải quyết hồ sơ hợp lệ trong thời gian không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ. Đối với trường hợp địa phương có đất là các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. thì thời hạn giải quyết hồ sơ tối đa là 25 ngày.

Thời gian này không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.

Nguồn: thuvienphapluat

PICTURE

Những quy định mới về cấp Sổ đỏ được áp dụng từ ngày 20/5/2023

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Nghị định 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Dưới đây là 4 quy định mới về Sổ đỏ đáng chú ý.

1. Sửa đổi thẩm quyền cấp Sổ đỏ

Khoản 5 Điều 1 Nghị định 10/2023 sửa đổi, bổ sung Điều 37 Nghị định 43/2014 có liên quan đến thẩm quyền cấp Sổ đỏ trong trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 95, khoản 3 Điều 105 của Luật Đất đai.

Cụ thể, đối với địa phương đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì việc cấp Giấy chứng nhận, xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp thực hiện do các cơ quan sau thực hiện:

Văn phòng đăng ký đất đai

Đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức, cá nhân nước ngoài; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Văn phòng đăng ký đất đai

Đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai được sử dụng con dấu của mình để thực hiện cấp Giấy chứng nhận, xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp.

Như vậy, so với quy định cũ, Nghị định 10/2023 đã sửa đổi thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận, xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận theo hướng tạo điều kiện dễ dàng, thuận tiện trong việc thực thiện các thủ tục hành chính này (được thực hiện tại Văn phòng đăng ký đất đai mà không cần lên Sở Tài nguyên và Môi trường).

2. Quy định rõ hơn về thủ tục cấp Sổ đỏ online

Theo điểm b khoản 7 Điều 1 Nghị định 10/2023, trường hợp thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký, cấp Giấy chứng nhận trên môi trường điện tử thực hiện như sau:

– Cơ quan tiếp nhận, giải quyết hồ sơ có trách nhiệm thực hiện các trình tự, thủ tục hành chính về đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai.

Trường hợp cần phải kiểm tra, xác minh làm rõ hoặc do nguyên nhân khác mà không trả kết quả giải quyết hồ sơ đúng thời hạn gửi thông báo bằng văn bản hoặc qua Cổng dịch vụ công hoặc qua tin nhắn SMS cho người yêu cầu.

– Người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua chức năng thanh toán của Cổng dịch vụ công…

3. Resort, Villa, Condotel,… được cấp Sổ đỏ

Tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 10/2023 bổ sung khoản 5 Điều 32 Nghị định 43/2014 về cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ.

Theo đó, công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch về du lịch trên đất thương mại, dịch vụ nếu đáp ứng đủ điều kiện của pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng, pháp luật về kinh doanh bất động sản thì được chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ.

Tuy nhiên, chủ sở hữu công trình xây dựng phải chịu trách nhiệm về việc đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật nêu trên.

Việc chứng nhận quyền sở hữu công trình được thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 32 Nghị định 43/2014 và các thông tin về thửa đất trên Giấy chứng nhận phải ghi đúng mục đích và thời hạn sử dụng đất.

Đây là điểm mới vì trước đó không có quy định cụ thể về chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ.

4. Thêm trường hợp cấp Sổ đỏ phải bổ sung giấy tờ

Theo đó, bổ sung các loại giấy tờ để cấp Sổ đỏ với công trình xây dựng trong các dự án kinh doanh bất động sản không phải là dự án phát triển nhà ở

Cụ thể, theo điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị định 10/2023, đối với dự án kinh doanh bất động sản không phải là dự án phát triển nhà ở, sau khi hoàn thành công trình, chủ đầu tư có trách nhiệm gửi Sở Tài nguyên và Môi trường các giấy tờ sau:

– Giấy chứng nhận; chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính của chủ dự án.

Trường hợp có thay đổi nghĩa vụ tài chính thì phải nộp chứng từ chứng minh việc hoàn thiện nghĩa vụ tài chính đối với sự thay đổi đó (trừ trường hợp được miễn hoặc chậm nộp theo quy định của pháp luật);

– Bản vẽ thiết kế mặt bằng phù hợp với hiện trạng xây dựng và hợp đồng đã ký;

– Thông báo của cơ quan chuyên môn về xây dựng cho phép chủ đầu tư nghiệm thu hạng mục công trình, công trình hoặc chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình đưa vào sử dụng;

– Danh sách các tài sản.

Nguồn: PHUNUTODAY

images

Đất ở TP HCM được bồi thường tối đa gấp 25 lần giá nhà nước

Hệ số điều chỉnh giá đất ở tại thành phố để lập phương án bồi thường năm 2023 tối đa gấp 25 lần giá nhà nước, còn đất nông nghiệp gấp 38 lần.

Theo quyết định vừa được UBND TP HCM ban hành, áp dụng từ 18/3, đất ở tuỳ quận huyện có hệ số điều chỉnh gấp 3-25 lần so với giá nhà nước. Khu vực có hệ số cao nhất, tối đa 25 lần, là huyện Hóc Môn (10-25 lần) và TP Thủ Đức (6-25 lần). Khung hệ số này tăng 10 đơn vị so với năm 2022 (tối đa 15 lần).

Xếp sau là huyện Bình Chánh (6-22 lần), Nhà Bè (10-21 lần), Củ Chi (13-20 lần). Các địa phương còn lại có khung hệ số tối đa dưới 20.

Với hệ số điều chỉnh này, đất mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 1, hệ số 4-5) giá nhà nước (giai đoạn 2020-2024) là 66 triệu đồng mỗi m2, sẽ được xây dựng giá thương lượng bồi thường 264-330 triệu đồng mỗi m2.

Tương tự, đất mặt tiền đường Trần Não, đoạn từ xa lộ Hà Nội đến Lương Định Của (TP Thủ Đức), giá nhà nước 22 triệu đồng mỗi m2, sẽ được xây dựng giá bồi thường ở mức 132-550 triệu đồng mỗi m2.

Các loại đất phi nông nghiệp không phải đất ở được bồi thường theo tỷ lệ. Đất thương mại, dịch vụ tính bằng 80% giá đất ở liền kề. Các loại đất khác tính bằng 60% giá đất ở liền kề.

Đất nông nghiệp tại TP HCM có hệ số cao 5-38 lần giá nhà nước, tăng so với hệ số tối đa năm ngoái là 35. Nơi có hệ số cao nhất là huyện Bình Chánh với khung hệ số 15-38 lần giá nhà nước. Các địa phương có hệ số tối đa 35 lần gồm các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp. Các địa phương còn lại có hệ số tối đa dưới 30.

Quận/huyện Hệ số (K) đối với đất ở Hệ số (K) với đất nông nghiệp
1 4-5 30-35
3 4-5 30-35
4 4-8,5 30-35
5 4,5-6,5 30-35
6 3-6 30-35
7 6-12 20-35
8 5-11 15-30
10 5-11 30-35
11 6-9 30-35
12 10-15 15-25
Phú Nhuận 5-7 25-30
Tân Phú 7-18 30-35
Tân Bình 4-7 30-35
Bình Thạnh 4-6 20-25
Gò Vấp 8-18 25-35
Bình Tân 6-14 12-20
Bình Chánh 6-22 15-38
Nhà Bè 10-21 10-25
Cần Giờ 5-15 5-12
Hóc Môn 10-25 10-18
Củ Chi 13-20 10-25
TP Thủ Đức 6-25 7-25

Hệ số điều chỉnh giá đất được thành phố đưa ra hàng năm, nhằm xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. So với năm 2022, hệ số năm nay cao hơn, và được ban hành sớm hơn 5 tháng.

Từ nhiều năm qua, TP HCM luôn gặp khó khăn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Hệ luỵ là kết quả giải ngân thường không đạt mục tiêu đề ra, riêng năm 2022 đặc biệt thấp. Nhiều dự án trọng điểm đình trệ do vướng mặt bằng.

TP HCM đặt mục tiêu đầu tư mới nhiều dự án trọng điểm trong thời gian tới, đặc biệt là Vành đai 3, 4, cao tốc TP HCM – Mộc Bài… Do đó, thành phố đồng loạt thực hiện nhiều giải pháp nhằm giải phóng mặt bằng đúng tiến độ, có đất sạch thực hiện dự án.

Nguồn: VnExpress

quoc-tich-Viet-Nam

Điều kiện, trình tự thực hiện thủ tục trở lại quốc tịch Việt Nam

Trong một số trường hợp, người đã mất quốc tịch Việt Nam có thể được cho phép trở lại quốc tịch Việt Nam. Các điều kiện và thủ tục này hiện nay được tiến hành thế nào?

       1. Các trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam

Việc trở lại quốc tịch Việt Nam quy định tại Điều 23 Luật quốc tịch Việt Nam 2008, được hướng dẫn bởi Nghị định 16/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 03/02/2020, cụ thể như sau:

– Người đã mất quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 26 của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì có thể được trở lại quốc tịch Việt Nam, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

+ Xin hồi hương về Việt Nam;

+ Có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam;

+ Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam (phải là người được tặng thưởng Huân chương, Huy chương, danh hiệu cao quý khác của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận về công lao đặc biệt đó trên cơ sở hồ sơ, ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan và quy định của pháp luật chuyên ngành);

+ Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (phải là người có tài năng thực sự vượt trội trong lĩnh vực khoa học, kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật, thể thao, y tế, giáo dục, đã dành được giải thưởng quốc tế, huân chương, huy chương hoặc được cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng nhận và cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ xác nhận về tài năng và có cơ sở cho thấy việc người được trở lại quốc tịch Việt Nam sẽ đóng góp tích cực, lâu dài cho sự phát triển lĩnh vực nói trên của Việt Nam sau khi được trở lại quốc tịch Việt Nam);

+ Thực hiện đầu tư tại Việt Nam ( phải có dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy tờ chứng nhận việc đầu tư đó);

+ Đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài (phải có giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp xác nhận rõ về lý do không được nhập quốc tịch nước ngoài. Trong trường hợp không được nhập quốc tịch nước ngoài là do lỗi chủ quan của người đó thì phải có văn bản bảo lãnh của một trong những người là cha, mẹ, vợ, chồng, con hoặc anh, chị, em ruột là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam, kèm theo đơn của người đó tự nguyện về cư trú tại Việt Nam).

– Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam không được trở lại quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.

– Trường hợp người bị tước quốc tịch Việt Nam xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải sau ít nhất 5 năm, kể từ ngày bị tước quốc tịch mới được xem xét cho trở lại quốc tịch Việt Nam.

– Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam phải lấy lại tên gọi Việt Nam trước đây.

– Người được trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người:

+ Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;

+ Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

+ Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây thì được coi là trường hợp đặc biệt để trình Chủ tịch nước xem xét việc cho trở lại quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài:

+  Có đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam;

+ Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi trở lại quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó;

+ Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước có quốc tịch bị ảnh hưởng;

+ Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

     2. Trình tự thực hiện thủ tục trở lại quốc tịch Việt Nam

– Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam phải nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp nơi cư trú.

– Người thụ lý hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện. Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì người thụ lý hồ sơ ghi vào Sổ thụ lý và cấp Phiếu thụ lý hồ sơ theo mẫu quy định cho người nộp hồ sơ.

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp gửi văn bản đề nghị cơ quan Công an cấp tỉnh xác minh về nhân thân của người xin trở lại quốc tịch Việt Nam.

– Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, cơ quan Công an cấp tỉnh có trách nhiệm xác minh và gửi kết quả đến Sở Tư pháp. Trong thời gian này, Sở Tư pháp phải tiến hành thẩm tra giấy tờ trong hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam; lập danh mục đầy đủ các giấy tờ trong từng hồ sơ, kèm danh sách những người xin trở lại quốc tịch Việt Nam theo mẫu quy định.

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh, Sở Tư pháp có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, kết luận và đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp.

– Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy người xin trở lại quốc tịch Việt Nam có đủ điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam thì gửi thông báo bằng văn bản cho người đó để làm thủ tục xin thôi quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp người xin trở lại quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài (người này phải đáp ứng đủ điều kiện để được coi là trường hợp đặc biệt) hoặc là người không quốc tịch.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy xác nhận thôi quốc tịch nước ngoài của người xin trở lại quốc tịch Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký Tờ trình đề nghị Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

– Nếu xét thấy hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam chưa đầy đủ, người xin trở lại quốc tịch chưa đáp ứng đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam, Bộ Tư pháp có văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng gửi cho Sở Tư pháp để hướng dẫn người xin trở lại quốc tịch bổ sung hồ sơ và hoàn thiện đủ điều kiện. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp có văn bản hướng dẫn người xin trở lại quốc tịch bổ sung hồ sơ và hoàn thiện đủ điều kiện.

Đối với trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài mà không có đủ giấy tờ chứng minh thuộc trường hợp đặc biệt theo quy định, Bộ Tư pháp có văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để yêu cầu người đó tiến hành thôi quốc tịch nước ngoài.

Trong thời hạn 9 tháng, kể từ ngày Bộ Tư pháp có văn bản thông báo mà người xin trở lại quốc tịch Việt Nam không bổ sung được hồ sơ, không hoàn thiện đủ điều kiện hoặc không nộp văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cho thôi quốc tịch nước ngoài, thì được coi là người đó không tiếp tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam và Bộ Tư pháp trả lại hồ sơ. Thời hạn 9 tháng không tính vào thời hạn giải quyết hồ sơ.

Khi xem xét hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài thuộc trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 14 của Nghị định số 16/2020/NĐ-CP, nếu thấy hồ sơ phức tạp hoặc liên quan đến an ninh chính trị, Bộ Tư pháp lấy ý kiến của bộ, ngành liên quan trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy xác nhận thôi quốc tịch nước ngoài của người xin trở lại quốc tịch Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký Tờ trình đề nghị Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

– Trường hợp người xin trở lại quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài thuộc trường hơp đặc biệt được giữ quốc tịch nước ngoài hoặc là người không quốc tịch thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy người xin trở lại quốc tịch Việt Nam có đủ điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký Tờ trình trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

– Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

– Sau khi có Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam của Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước gửi đăng Công báo, Bộ Tư pháp đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.

– Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam, Bộ Tư pháp gửi thông báo kèm bản sao Quyết định cho người được trở lại quốc tịch Việt Nam, đồng thời gửi cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thụ lý hồ sơ để theo dõi, quản lý, thống kê các việc đã giải quyết về quốc tịch.

Trường hợp người được trở lại quốc tịch Việt Nam mà trước đó đã ghi chú vào Sổ đăng ký khai sinh việc thôi quốc tịch Việt Nam hoặc tước quốc tịch Việt Nam, thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam, Bộ Tư pháp thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp hoặc Cơ quan đại diện, nơi đã đăng ký hộ tịch của người đó để ghi chú hoặc hướng dẫn ghi chú vào sổ hộ tịch Nội dung ghi chú gồm: số Quyết định; ngày, tháng, năm ban hành Quyết định; nội dung Quyết định; cán bộ thực hiện ghi chú phải ký, ghi rõ họ tên và ngày tháng năm ghi chú. Trường hợp việc đăng ký hộ tịch được thực hiện tại Cơ quan đại diện mà sổ hộ tịch đã chuyển lưu tại Bộ Ngoại giao thì Bộ Ngoại giao thực hiện ghi chú.

– Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày có Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam, Bộ Tư pháp thông báo cho Bộ Công an để chỉ đạo cơ quan Công an có thẩm quyền đăng ký cư trú, cấp Hộ chiếu Việt Nam, Căn cước công dân cho người được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật.

DCIM101MEDIADJI_0736.JPG

Doanh nghiệp bất động sản vui mừng vì Nghị định 08/2023/NĐ-CP

Ngày 6.3.2023, sau 1 ngày Chính phủ ban hành Nghị định 08, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã phát đi tin mừng gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và cộng đồng doanh nghiệp.

HoREA cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp nhiệt liệt hoan nghênh và trân trọng cảm ơn Bộ Tài chính và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08 theo thủ tục rút gọn, có hiệu lực ngay kể từ ngày ký ban hành 5.3.2023. Qua đó xây dựng được khuôn khổ pháp lý để xử lý vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.

Đây là căn cứ pháp luật để doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện đàm phán với nhà đầu tư trái phiếu (trái chủ). Nhất là nhà đầu tư cá nhân về kéo dài kỳ hạn của trái phiếu trong thời gian tối đa không quá 2 năm hoặc thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện, tuân thủ quy định của pháp luật dân sự. Nghị định cũng bảo vệ quyền lựa chọn của trái chủ thiểu số, kể cả trường hợp thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu đã được người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận.

Quy định việc đàm phán đòi hỏi sự thiện chí, chân thành và tinh thần hợp tác của cả hai bên vì sự tồn tại của doanh nghiệp và vì quyền lợi của trái chủ. Trước hết là tạo điều kiện và cơ hội để doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, tiếp tục làm ra tiền để trả nợ trái chủ. Đồng thời trái chủ cũng thể hiện sự đồng hành với doanh nghiệp trên tinh thần thấu hiểu và chia sẻ trong lúc khó khăn.

Quy định việc đàm phán sẽ tốn nhiều thời gian để doanh nghiệp đạt được thỏa thuận với các trái chủ. Tuy nhiên vẫn có thể có trường hợp không đạt được thỏa thuận với một số ít trái chủ. Nhưng việc đàm phán nếu được cả hai bên thực hiện với sự thiện chí, chân thành và tinh thần hợp tác sẽ là phương thức tối ưu, như những người đang cùng nhau chèo chống trên cùng một con thuyền để vượt qua phong ba bão táp.

Nghị định 08 cho phép doanh nghiệp và trái chủ thỏa thuận thực hiện phương thức “hàng đổi hàng”. Đổi trái phiếu (cả gốc và lãi) lấy tài sản khác như: căn hộ, nhà phố, biệt thự, đất, cổ phần, cổ phiếu, giấy tờ có giá… theo nguyên tắc doanh nghiệp phải tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan. Doanh nghiệp phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của trái chủ nhằm hạn chế phát sinh khiếu kiện, tranh chấp sau này.

Ngoài ra, Nghị định số 08 quyết định ngưng hiệu lực thi hành đến hết 31.12.2023 đối với việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân hoặc quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành, hoặc quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu là rất cần thiết góp phần củng cố niềm tin vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời tháo gỡ được vướng mắc, ách tắc về đầu vào của doanh nghiệp phát hành trái phiếu và nhất là cho đầu ra của thị trường trái phiếu khi tạo điều kiện thuận lợi hơn để nhà đầu tư cá nhân tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ nay đến cuối năm 2023.

Các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản phải rất nỗ lực để tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm theo hướng phát triển các phân khúc nhà ở đáp ứng nhu cầu thực, có tính thanh khoản cao như nhà ở giá vừa túi tiền. Nhất là tích cực tham gia chương trình phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030. Đi đôi với việc thực hiện khuyến mãi, tăng chiết khấu, giảm giá bán nhà theo phương châm chấp nhận “bán lỗ để cắt lỗ” để có dòng tiền, có thanh khoản trong tình hình rất khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay, để tồn tại rồi mới tìm cơ hội phát triển trở lại.

Theo HoREA, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đáo hạn trong 2 năm 2023 – 2024 rất lớn, khoảng 230.000 tỉ đồng. Trong đó năm 2023 khoảng 119.000 tỉ đồng, năm 2024 khoảng 111.000 tỉ đồng. Nên Nghị định số 08 sẽ tác động rất tích cực và hiệu quả đến việc xử lý 119.000 tỉ đồng trái phiếu đến hạn trong năm 2023.

Tuy nhiên, việc xử lý trái phiếu đến hạn phải được sự đồng thuận của các trái chủ với doanh nghiệp thông qua đàm phán thỏa thuận nên mất rất nhiều thời gian, mà hiện nay chỉ còn gần 9 tháng để thực hiện Nghị định số 08. Do vậy, đề nghị Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 08 vào khoảng đầu quý 4/2023 để tiếp tục xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển theo hướng minh bạch, lành mạnh, an toàn và bền vững trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Nguồn: Báo Thanh niên

GCN

Đề xuất mới nhất về các trường hợp không được cấp “sổ đỏ”

Theo Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, có 5 trường hợp không được cấp “sổ đỏ”, trong đó có loại đất đã được đăng ký vào sổ địa chính nhưng đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

      Điều 144 Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định các trường hợp không được cấp “sổ đỏ” gồm:

– Đất thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn;

– Đất được giao để quản lý thuộc các trường hợp quy định tại Điều 8 của dự thảo Luật, trừ trường hợp: đất được giao sử dụng chung với đất được giao quản lý thì được chứng nhận phần quyền sử dụng theo quyết định giao, cho thuê của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

– Đất thuê, thuê lại của người sử dụng đất; đất nhận khoán, trừ trường hợp thuê, thuê lại đất của nhà đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng, phù hợp với dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

– Đất đã được đăng ký vào sổ địa chính, nhưng đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp đã quá 3 năm kể từ thời điểm có quyết định thu hồi đất mà không thực hiện;

– Tổ chức, UBND cấp xã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích xây dựng công trình công cộng gồm công trình giao thông, công trình dẫn nước, dẫn xăng, dầu, khí; đường dây truyền tải điện, truyền dẫn thông tin; khu vui chơi giải trí ngoài trời; nghĩa trang, nghĩa địa không nhằm mục đích kinh doanh.

      Trong khi đó, theo quy định hiện hành (Điều 19 Nghị định 43/2014/NĐ-CP) có tới 7 trường hợp không được cấp “sổ đỏ”, đó là:

– Tổ chức, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất để quản lý thuộc các trường hợp quy định tại Điều 8 của Luật Đất đai;

– Người đang quản lý, sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn;

– Người thuê, thuê lại đất của người sử dụng đất, trừ trường hợp thuê, thuê lại đất của nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế;

– Người nhận khoán đất trong các nông trường, lâm trường, doanh nghiệp nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng;

– Người đang sử dụng đất không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

– Người sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng đã có thông báo hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Tổ chức, UBND cấp xã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích xây dựng công trình công cộng gồm đường giao thông, công trình dẫn nước, dẫn xăng, dầu, khí; đường dây truyền tải điện, truyền dẫn thông tin; khu vui chơi giải trí ngoài trời; nghĩa trang, nghĩa địa không nhằm mục đích kinh doanh.

LDD (2)

NHỮNG ĐIỂM MỚI QUAN TRỌNG TẠI DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Tờ trình của Chính phủ ngày 01/11 nêu 11 điểm mới của dự thảo luật, trong đó sẽ xin ý kiến Quốc hội về ba nội dung nhạy cảm, còn nhiều quan điểm khác nhau.

Quy định cụ thể về đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất

Trong chương Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ), ban soạn thảo đã dành riêng một mục để quy định cụ thể về đấu giá đất gồm cả đất đã “sạch” và đất chưa “sạch” và đấu thầu các dự án có SDĐ.

Theo đó, đất đem ra đấu giá phải đảm bảo nhiều điều kiện. Đối với đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng xong thì phải có trong kế hoạch SDĐ hằng năm cấp huyện, đã có quy hoạch chi tiết 1/500, thuộc quỹ đất để đấu giá và một số quy định khác.

Trong trường hợp đấu giá quyền SDĐ mà đất chưa bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC) thì ngoài các điều kiện nêu trên, cần phải được sự đồng ý của 100% người bị thu hồi đất về phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC.

Dự thảo luật cũng quy định về điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá quyền SDĐ và đấu thầu dự án có SDĐ. Cùng với đó, dự thảo quy định một trong những trách nhiệm của UBND cấp tỉnh là hằng năm phải công bố kế hoạch, danh mục các khu đất thực hiện đấu giá, đấu thầu.

Ngoài quy định tại Luật Đất đai thì việc đấu giá, đấu thầu còn phải tuân thủ theo quy định của các luật chuyên ngành như Luật Đấu giá tài sản, Luật Đấu thầu… Có thể thấy xuất phát từ rất nhiều bất cập trong thực tiễn thực hiện đấu giá quyền SDĐ và đấu thầu dự án có SDĐ trong thời gian qua, dự thảo luật lần này đã quy định cụ thể, chi tiết hơn so với Luật Đất đai hiện hành.

– Được thế chấp, bán, cho thuê, góp vốn tài sản gắn liền với quyền thuê đất

Một trong những điểm mới quan trọng khác của dự thảo luật là việc cho phép các tổ chức, cá nhân thuê đất của Nhà nước với hình thức trả tiền hằng năm sẽ được phép bán, cho thuê, thế chấp, góp vốn đối với tài sản của mình gắn liền với quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất với Nhà nước.

Luật Đất đai hiện hành chỉ quy định Nhà nước cho thuê đất trả tiền hằng năm hoặc một lần cho cả thời gian thuê cùng với đối tượng có liên quan. Tại dự thảo luật sửa đổi, cơ quan soạn thảo đã quy định cụ thể các trường hợp thuê đất trả tiền một lần và thuê đất trả tiền hằng năm.

Dự thảo luật cũng đã nêu các điều kiện để được bán, cho thuê và cả điều kiện của bên nhận chuyển nhượng. Cụ thể là tài sản đó phải đảm bảo ba điều kiện: Tạo lập hợp pháp; đã hoàn thành việc xây dựng đúng theo quy hoạch xây dựng chi tiết và dự án đầu tư đã được phê duyệt, chấp thuận; đối tượng được Nhà nước cho thuê đất đã ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng mà chưa khấu trừ hết vào tiền thuê đất phải nộp.

Theo cơ quan soạn thảo, việc đưa nội dung này vào dự thảo luật lần này chính là việc thể chế hóa tinh thần Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương về “đẩy mạnh thương mại hóa quyền SDĐ”, qua đó làm tăng hiệu quả SDĐ.

Trong tờ trình của Chính phủ nhận định đây cũng là một trong những nội dung mà trong quá trình thảo luận còn có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến đề nghị không quy định nội dung này vào dự thảo luật vì nếu quy định như vậy sẽ thiếu công bằng giữa các trường hợp thuê đất trả tiền một lần và thuê đất trả tiền hằng năm. Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể lợi dụng chính sách này để vay vốn ngân hàng nhưng không có khả năng trả nợ, dẫn đến mất an toàn hệ thống tín dụng. Thậm chí có tình trạng lợi dụng để chuyển nhượng mà không có đầu tư. Vì vậy, Chính phủ sẽ xin ý kiến của QH.

– Người bị thu hồi đất được lựa chọn nhiều hình thức bồi thường

Dự thảo luật đã quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí, các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng. Cùng với đó là trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, TĐC để công khai, minh bạch trong thực thi và giám sát.

Đặc biệt, dự thảo luật cũng đa dạng hóa hình thức bồi thường: Bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi; hoặc bằng tiền, bằng đất khác; hoặc bằng nhà ở để người dân có nhiều lựa chọn. Giá đất bồi thường theo giá thị trường; tách bạch các khoản bồi thường, các khoản hỗ trợ, đồng thời quy định công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC phải đi trước một bước khi quyết định thu hồi đất.

Dự thảo luật cũng đã cụ thể hóa nguyên tắc người bị thu hồi đất “có chỗ ở, thu nhập và điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ” theo tinh thần Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương. Điều này được thể hiện thông qua quy định các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, địa điểm TĐC theo thứ tự ưu tiên (tại chỗ; trên cùng địa bàn xã, phường; địa bàn tương đồng)…

11 điểm mới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Tại tờ trình QH, Chính phủ đã nêu ra 11 điểm mới của dự thảo luật. Trong đó, Chính phủ xin ý kiến QH về ba nội dung: Mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền SDĐ nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân lên 15 lần so với hạn mức được giao; mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền SDĐ trồng lúa; quy định về cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm.

Theo Chính phủ, đây là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người SDĐ còn nhiều ý kiến khác nhau khi thảo luận.

Tám nội dung mới khác trong dự thảo lần này bao gồm: Quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của Nhà nước cũng như quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; hoàn thiện các quy định về quyền của người SDĐ, quy hoạch, kế hoạch SDĐ; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích SDĐ; chính sách tài chính đất đai, giá đất; phát triển quỹ đất, thị trường quyền SDĐ; quản lý SDĐ nông nghiệp; quản lý SDĐ đa mục đích; về chuyển đổi số và cải cách hành chính; về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

GUQ

Chỉ chứng thực Giấy ủy quyền trong 4 trường hợp

Tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu chứng thực Giấy ủy quyền có thể đến Ủy ban, phòng công chứng hoặc văn phòng công chứng để thực hiện trong bốn trường hợp.

Hiện nay, việc chứng thực Giấy ủy quyền được thực hiện theo quy định tại Nghị định 23/2015 và Thông tư 01/2020 của Bộ Tư pháp.

Theo đó, khi tổ chức, cá nhân có nhu cầu chứng thực Giấy ủy quyền thì sẽ thực hiện thủ thục chứng thực chữ ký nếu nội dung Giấy ủy quyền thỏa mãn đầy đủ các điều kiện như không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản và thuộc một trong bốn trường hợp sau:

– Ủy quyền về việc nộp hộ, nhận hộ hồ sơ, giấy tờ, trừ trường hợp pháp luật quy định không được ủy quyền.

– Ủy quyền nhận hộ lương hưu, bưu phẩm, trợ cấp, phụ cấp.

– Ủy quyền nhờ trông nom nhà cửa.

– Ủy quyền của thành viên hộ gia đình để vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội.

Lưu ý, đối với việc ủy quyền không thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì không được yêu cầu chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền; người yêu cầu chứng thực phải thực hiện các thủ tục theo quy định về chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Khi thực hiện chứng thực, cơ quan có thẩm quyền cần đảm bảo lời chứng phải ghi ngay phía dưới chữ ký được chứng thực hoặc trang liền sau của trang giấy tờ, văn bản có chữ ký được chứng thực. Trường hợp lời chứng được ghi tại tờ liền sau của trang có chữ ký thì phải đóng dấu giáp lai giữa giấy tờ, văn bản chứng thực chữ ký và trang ghi lời chứng.

Trường hợp giấy tờ, văn bản có nhiều người ký thì phải chứng thực chữ ký của tất cả những người đã ký trong giấy tờ, văn bản đó.

thu-tuc-chuyen-doi-tu-dat-nong-nghiep-sang-dat-o-1-e1563856574174

Điều kiện, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng tại 4 tỉnh, thành phố

Ngày 06/4/2022, Thủ tướng ban hành Quyết định 10/2022/QĐ-TTg quy định trình tự, thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha; đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 ha trên địa bàn Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Cần Thơ, cụ thể như sau:

  1. Về điều kiện để được chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư:

– Dự án đầu tư có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định 10/2022.
Đơn cử như chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha trên địa bàn TP.Hải Phòng, TP.Cần Thơ.
– Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt và các quy hoạch khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
– Đã được chấp thuận đầu tư theo quy định của pháp luật mà văn bản chấp thuận còn hiệu lực đến thời điểm đề xuất; đối với dự án phải thu hồi đất theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật đất đai thì phải được HĐND cấp tỉnh thông qua.
– Có Phương án trồng rừng thay thế và đảm bảo kinh phí trồng rừng thay thế được xác định trong tổng mức đầu tư của dự án đối với dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp hoặc văn bản hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế hoặc phương án sử dụng tầng đất mặt theo quy định của pháp luật về trồng trọt.

  1. Về thủ tục

          Nhà đầu tư, chủ đầu tư dự án có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất đăng ký nhu cầu sử dụng đất tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thực hiện dự án, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổng hợp gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất. Đối với trường hợp dự án thực hiện trên địa bàn từ 2 huyện trở lên thì chủ đầu tư, nhà đầu tư đăng ký trực tiếp với Sở Tài nguyên và Môi trường nơi thực hiện dự án.

          Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ để thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các tổ chức có nhu cầu sử dụng đất, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi có đất lấy ý kiến theo quy định.
          Hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gồm có: Tờ trình Hội đồng nhân dân về việc chuyển mục đích sử dụng đất; danh mục dự án có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất; trích lục bản đồ khu vực chuyển mục đích sử dụng đất có xác nhận của Sở Tài nguyên và Môi trường.

           Trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thẩm định việc chuyển mục đích sử dụng đất. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn không quá 2 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thông báo cho Sở Tài nguyên và Môi trường.

          Trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến thẩm định, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giải trình, tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, chấp thuận.

          Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất.

          Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định chấp thuận cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo Quy chế làm việc của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

          Sau khi có văn bản chấp thuận của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.
Quyết định 10/2022/QĐ-TTg có hiệu lực ngày 06/4/2022.