Hiện nay, kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, các giao dịch dân sự về mua bán nhà, đất cũng trở nên khá phổ biến trong đời sống hằng ngày. Tuy vậy, hầu hết người dân đều không nắm rõ các quy định pháp lý cần thiết về mua, bán nhà đất. Các giao dịch nhà, đất được thường được xác lập bằng giấy viết tay. Về hiệu lực của văn bản này dưới góc độ pháp lý như thế nào, mời các bạn xem bài viết dưới đây.
1. Giấy viết tay trong giao dịch mua, bán nhà đất?
Giấy viết tay trong giao dịch mua, bán nhà đất là văn bản giữa các chủ thể giữa “bên mua” và “bên bán” trong một giao dịch. Trên văn bản này, thông thường thể hiện các nội dung như: Họ và tên bên mua, bên bán; giá; quyền và nghĩa vụ của các bên; chữ ký của các bên…Tuy nhiên, văn bản này không được “công chứng”, “chứng thực” theo quy định của pháp luật.
2. Hiệu lực của giấy mua, bán nhà đất viết tay?
– Căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 167 Luật đất đai năm 2013, quy định về Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực.
– Ở một văn bản luật khác, yêu cầu về hình thức được đặt ra đối với giao dịch được thể hiện như sau: Khoản 2, Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định về hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
–> Như vậy, dựa vào các cơ sở pháp lý nêu trên, giấy viết tay hay các văn bản thỏa thuận chuyển nhượng nhà, đất khác cần thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực để đảm bảo giá trị pháp lý. Nếu vi phạm về thủ tục công chứng, chứng thực rất có khả năng giao dịch sẽ bị vô hiệu về hình thức.
Các quy định trên cũng có những ngoại lệ nhất định, được thể hiện tại Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ 2 trường hợp sau đây:
Một là, giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.
Hai là, giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.
Như vậy, giấy mua bán nhà đất viết tay không có công chứng, chứng thực nếu đã thực hiện ít nhất ⅔ nghĩa vụ trong giao dịch thì người dân có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của hợp đồng mà không cần thực hiện việc công chứng, chứng thực.