Đánh giá xây dựng bảng giá đất là việc khó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận, phải làm khẩn trương nhưng cần chặt chẽ để khi ban hành đạt kết quả cao nhất.
Thông tin trên được ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM trao đổi với PV Báo Thanh Niên sáng 2.8 trước sự quan tâm của người dân và cộng đồng doanh nghiệp về bảng giá đất điều chỉnh dự kiến áp dụng từ ngày 1.8.
Chiều qua (1.8), Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM đã tổ chức cuộc họp để nghe Sở TN-MT báo cáo tiến độ xây dựng bảng giá đất điều chỉnh. Về các bước tiếp theo, ông Mãi cho biết, sẽ báo cáo, xin chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM phản biện, lấy ý kiến nhân dân từng nhóm bị tác động, lấy ý kiến đại biểu HĐND TP.HCM.
Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1.8 quy định bảng giá đất không còn áp dụng hệ số điều chỉnh cũng như phải có giá đất tái định cư. Đây là lý do chính khiến UBND TP.HCM phải điều chỉnh bảng giá đất cho sát giá thị trường, làm cơ sở giải quyết hồ sơ nhà đất của người dân cũng như phê duyệt đơn giá bồi thường, tái định các dự án có thu hồi đất.”Luật Đất đai quy định như vậy nhưng đến giờ chưa có địa phương nào ban hành. Đây là việc khó, phải làm khẩn trương nhưng chặt chẽ để khi ban hành đạt kết quả cao nhất”, ông Mãi chia sẻ thêm.
Chủ tịch UBND TP.HCM nhìn nhận, bảng giá đất liên quan đến nhiều bên nên không thể hài lòng tất cả mọi người. Dù vậy, TP.HCM sẽ cố gắng xây dựng bảng giá đất hài hòa nhất lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, trong đó lợi ích của người dân phải được đề cao.
Về thời điểm ban hành, ông Mãi cho hay, UBND TP.HCM cố gắng ban hành bảng giá đất trong tháng 8.2024. Trong thời gian này, UBND TP.HCM cũng sẽ nghiên cứu việc xử lý chuyển tiếp khoảng thời gian từ ngày 1.8 đến khi bảng giá đất được ban hành để thực hiện thống nhất trên toàn thành phố.
Hơn 4.500 tuyến đường có bảng giá đất
Tại phiên họp kinh tế – xã hội thường kỳ tháng 7.2024 diễn ra chiều 1.8, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng cho biết, trình tự điều chỉnh bảng giá đất có 7 bước và TP.HCM đang thực hiện tới bước 6.”Bảng giá đất lần này là bảng giá điều chỉnh, chúng ta chưa xây dựng bảng giá mới theo luật Đất đai năm 2024. Bảng giá mới sẽ được xây dựng và áp dụng từ ngày 1.1.2026. Còn bảng giá này là bảng giá điều chỉnh bảng giá cũ, cập nhật những giá đất hiện hành, giá bồi thường được phê duyệt, một số giá chuyển biến trên thị trường cho đúng, cho đủ vào bảng giá, đảm bảo bảng giá không quá thấp”, ông Thắng nói thêm.Giám đốc Sở TN-MT dẫn chứng có những tuyến đường trong bảng giá hiện hành chỉ 1 – 2 triệu đồng/m2 đất ở mà giá giao dịch đã 100 – 200 triệu đồng/m2. Do vậy cần cập nhật, cân chỉnh lại để có bảng giá đất phù hợp nhất trong giai đoạn hiện nay.
Theo dự thảo bảng giá đất do Sở TN-MT trình UBND TP.HCM, bảng giá đất mới sẽ áp dụng cho 4.565 tuyến đường, tăng 557 tuyến so với Quyết định 02/2020. Mức giá cao nhất là 810 triệu đồng/m2, thấp nhất là 3 triệu đồng/m2 , còn mức bình quân khoảng 111 triệu đồng/m2, gấp hơn 7 lần so với 4 năm trước.
Sở TN-MT giải thích bảng giá đất theo Quyết định 02/2020 khi sử dụng phải nhân với hệ số điều chỉnh giá đất là 3,5 lần, nên thực tế bảng giá đất điều chỉnh lần này chỉ tăng khoảng 2,5 lần và chỉ tương ứng 70% mặt bằng giá thị trường.
Cũng theo đánh giá sơ bộ của Sở TN-MT, nhóm có ảnh hưởng nhiều là đối tượng chuyển mục đích sử dụng đất và công nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân. Tuy nhiên, đối chiếu luật Đất đai năm 2013 với luật Đất đai năm 2024, các trường hợp sử dụng đất ổn định trước ngày 15.10.1993 không phải nộp tiền sử dụng đất, trường hợp diện tích vượt hạn mức thì thu theo bảng giá đất năm 2005.