bang-gia-dat-thanh-pho-ho-chi-minh

TP.HCM điều chỉnh bảng giá đất trong tháng 8

Đánh giá xây dựng bảng giá đất là việc khó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận, phải làm khẩn trương nhưng cần chặt chẽ để khi ban hành đạt kết quả cao nhất.

Thông tin trên được ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM trao đổi với PV Báo Thanh Niên sáng 2.8 trước sự quan tâm của người dân và cộng đồng doanh nghiệp về bảng giá đất điều chỉnh dự kiến áp dụng từ ngày 1.8.

Chiều qua (1.8), Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM đã tổ chức cuộc họp để nghe Sở TN-MT báo cáo tiến độ xây dựng bảng giá đất điều chỉnh. Về các bước tiếp theo, ông Mãi cho biết, sẽ báo cáo, xin chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM phản biện, lấy ý kiến nhân dân từng nhóm bị tác động, lấy ý kiến đại biểu HĐND TP.HCM.

TP.HCM điều chỉnh bảng giá đất trong tháng 8- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định bảng giá đất mới sẽ đề cao lợi ích của người dân

Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1.8 quy định bảng giá đất không còn áp dụng hệ số điều chỉnh cũng như phải có giá đất tái định cư. Đây là lý do chính khiến UBND TP.HCM phải điều chỉnh bảng giá đất cho sát giá thị trường, làm cơ sở giải quyết hồ sơ nhà đất của người dân cũng như phê duyệt đơn giá bồi thường, tái định các dự án có thu hồi đất.”Luật Đất đai quy định như vậy nhưng đến giờ chưa có địa phương nào ban hành. Đây là việc khó, phải làm khẩn trương nhưng chặt chẽ để khi ban hành đạt kết quả cao nhất”, ông Mãi chia sẻ thêm.

Chủ tịch UBND TP.HCM nhìn nhận, bảng giá đất liên quan đến nhiều bên nên không thể hài lòng tất cả mọi người. Dù vậy, TP.HCM sẽ cố gắng xây dựng bảng giá đất hài hòa nhất lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, trong đó lợi ích của người dân phải được đề cao.

Về thời điểm ban hành, ông Mãi cho hay, UBND TP.HCM cố gắng ban hành bảng giá đất trong tháng 8.2024. Trong thời gian này, UBND TP.HCM cũng sẽ nghiên cứu việc xử lý chuyển tiếp khoảng thời gian từ ngày 1.8 đến khi bảng giá đất được ban hành để thực hiện thống nhất trên toàn thành phố.

Hơn 4.500 tuyến đường có bảng giá đất

Tại phiên họp kinh tế – xã hội thường kỳ tháng 7.2024 diễn ra chiều 1.8, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng cho biết, trình tự điều chỉnh bảng giá đất có 7 bước và TP.HCM đang thực hiện tới bước 6.”Bảng giá đất lần này là bảng giá điều chỉnh, chúng ta chưa xây dựng bảng giá mới theo luật Đất đai năm 2024. Bảng giá mới sẽ được xây dựng và áp dụng từ ngày 1.1.2026. Còn bảng giá này là bảng giá điều chỉnh bảng giá cũ, cập nhật những giá đất hiện hành, giá bồi thường được phê duyệt, một số giá chuyển biến trên thị trường cho đúng, cho đủ vào bảng giá, đảm bảo bảng giá không quá thấp”, ông Thắng nói thêm.Giám đốc Sở TN-MT dẫn chứng có những tuyến đường trong bảng giá hiện hành chỉ 1 – 2 triệu đồng/m2 đất ở mà giá giao dịch đã 100 – 200 triệu đồng/m2. Do vậy cần cập nhật, cân chỉnh lại để có bảng giá đất phù hợp nhất trong giai đoạn hiện nay.

TP.HCM điều chỉnh bảng giá đất trong tháng 8- Ảnh 2.

Dự kiến UBND TP.HCM ban hành bảng giá đất điều chỉnh trong tháng 8.2024

Theo dự thảo bảng giá đất do Sở TN-MT trình UBND TP.HCM, bảng giá đất mới sẽ áp dụng cho 4.565 tuyến đường, tăng 557 tuyến so với Quyết định 02/2020. Mức giá cao nhất là 810 triệu đồng/m2, thấp nhất là 3 triệu đồng/m2 , còn mức bình quân khoảng 111 triệu đồng/m2, gấp hơn 7 lần so với 4 năm trước.

Sở TN-MT giải thích bảng giá đất theo Quyết định 02/2020 khi sử dụng phải nhân với hệ số điều chỉnh giá đất là 3,5 lần, nên thực tế bảng giá đất điều chỉnh lần này chỉ tăng khoảng 2,5 lần và chỉ tương ứng 70% mặt bằng giá thị trường.

Cũng theo đánh giá sơ bộ của Sở TN-MT, nhóm có ảnh hưởng nhiều là đối tượng chuyển mục đích sử dụng đất và công nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân. Tuy nhiên, đối chiếu luật Đất đai năm 2013 với luật Đất đai năm 2024, các trường hợp sử dụng đất ổn định trước ngày 15.10.1993 không phải nộp tiền sử dụng đất, trường hợp diện tích vượt hạn mức thì thu theo bảng giá đất năm 2005.

Nguồn: Thanhnien.vn
_765247ae-63ec-4dcd-af7c-56615b692bff

Từ 1/8, người dân lưu ý điều này khi đặt cọc mua nhà hình thành trong tương lai

Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ 1/8, chủ đầu tư chỉ được thu tiền cọc mua nhà hình thành trong tương lai (nhà ở trên giấy) tối đa 5% giá bán, cho thuê mua và dự án đủ điều kiện mới được mở bán.

Cụ thể, theo khoản 5 Điều 23 Luật Kinh doanh bất động sản 2023, chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng khi đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định,  như có giấy phép xây dựng, thông báo khởi công xây dựng, giấy tờ về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất…

Thỏa thuận đặt cọc phải ghi rõ giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng.

Cùng với quy định về tiền đặt cọc không quá 5% giá bán, Điều 25 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 cũng có quy định về thanh toán tiền mua bán, thuê mua nhà trên giấy.

W-dat coc nha dat vietnamnet.png
Quá trình thanh toán trong mua bán nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo Luật Kinh doanh bất động sản 2023. Đồ họa: Hồng Khanh 

Theo đó, các bên thực hiện thanh toán nhiều lần, lần đầu không quá 30% hợp đồng gồm cả tiền cọc (quy định cũ không bao gồm tiền cọc).

Những lần tiếp theo phải phù hợp tiến độ xây dựng nhưng không quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng.

Như vậy so với quy định cũ, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đã bổ sung căn cứ là phần diện tích sàn xây dựng trong công trình cho bên mua.

Nếu bên bán là tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài thì không quá 50% giá trị hợp đồng.

Nếu bên mua, thuê mua chưa được cấp sổ đỏ/ sổ hồng thì không được thu quá 95% giá trị hợp đồng. Giá trị còn lại sẽ được thanh toán khi người mua được cấp sổ hồng.

Đồng thời, luật mới bổ sung thêm quy định về việc thanh toán trong thuê mua nhà ở, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình hình thành trong tương lai so với Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.

Với trường hợp này, cũng thanh toán nhiều lần và các lần được quy định lần đầu không quá 30% giá trị hợp đồng gồm cả tiền cọc.

Các lần tiếp theo phải phù hợp tiến độ xây dựng cho đến khi bàn giao nhà ở, phần diện tích sản xây dựng nhưng tổng số tiền thanh toán trước không quá 50% giá trị hợp đồng thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.

Số tiền còn lại được tính thành tiền thuê để trả cho bên cho thuê mua trong thời hạn nhất định theo thỏa thuận.

Đặt cọc là bước đầu tiên trong tiến trình mua bán, được thực hiện trước khi giao kết hợp đồng. Luật hiện hành không đưa ra các quy định cụ thể về tiền cọc với mua bán, thuê bất động sản hình thành trong tương lai. Theo quy định mới, việc đặt cọc mua bán nhà trên giấy được siết lại tránh thu tiền cọc quá lớn, có thể phát sinh hành vi lừa đảo gây thiệt hại cho người mua.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/tu-1-8-tien-coc-mua-nha-tren-giay-toi-da-5-gia-ban-2299946.html, tham khảo ngày 10/7/2024

20220107142111-d2b5

105 thành phố, thị xã không được phân lô, bán nền từ 1/8

Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ ngày 1/8, không cho phân lô, bán nền tại 105 thành phố, thị xã, tăng 81 địa phương so với quy định hiện hành.

Cụ thể, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 quy định không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở, tự phân lô bán nền trong khu vực các phường, quận, thành phố của đô thị loại đặc biệt, loại I, II, III và thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư dự án xây dựng nhà ở theo quy định của Luật Đất đai.

Với những khu vực còn lại, UBND cấp tỉnh sẽ quyết định khu vực chủ đầu tư có thể phân lô tách thửa và chuyển nhượng cho cá nhân tự xây nhà ở.

Trong khi đó, luật hiện hành chỉ ngăn chặn phân lô, bán nền tại các phường của các đô thị loại đặc biệt và đô thị loại I trực thuộc Trung ương; khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị; mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến tháng 12/2023, toàn quốc có 902 đô thị; trong đó, có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 36 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 95 đô thị loại IV và 702 đô thị loại V.

Như vậy, quy định mới sẽ cấm phân lô bán nền tại 105 thành phố, thị xã, tăng thêm 81 địa phương so với quy định hiện hành.

W-phan lo ban nen vietnamnet.png

Danh sách 105 thành phố, thị xã không được phân lô, bán nền từ 1/8 

Ngoài 2 đô thị loại đặc biệt gồm Hà Nội và TP.HCM sẽ bị siết phân lô bán nền còn có 22 đô thị loại I.

Trong đó, có 3 thành phố trực thuộc Trung ương là Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và 19 thành phố thuộc tỉnh gồm Huế, Vinh, Đà Lạt, Nha Trang, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Thái Nguyên, Nam Định, Việt Trì, Vũng Tàu, Hạ Long, Thanh Hóa, Biên Hòa, Mỹ Tho, Thủ Dầu Một, Bắc Ninh, Hải Dương, Pleiku, Long Xuyên.

36 đô thị loại II bao gồm các thành phố thuộc tỉnh: Phan Thiết, Cà Mau, Tuy Hòa, Uông Bí, Thái Bình, Rạch Giá, Bạc Liêu, Ninh Bình, Đồng Hới, Phú Quốc, Vĩnh Yên, Lào Cai, Bà Rịa, Bắc Giang, Phan Rang – Tháp Chàm, Châu Đốc, Cẩm Phả, Quảng Ngãi, Tam Kỳ, Trà Vinh, Sa Đéc, Móng Cái, Phủ Lý, Bến Tre, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Sơn La, Tân An, Vị Thanh, Cao Lãnh, Vĩnh Long, Tuyên Quang, Sóc Trăng, Kon Tum, Dĩ An, Yên Bái.

45 đô thị loại III với 29 thành phố và 16 thị xã.

Cụ thể, 29 thành phố là Điện Biên Phủ, Hòa Bình, Hội An, Hưng Yên, Đông Hà, Bảo Lộc, Hà Giang, Cam Ranh, Cao Bằng, Lai Châu, Tây Ninh, Bắc Kạn, Tam Điệp, Sông Công, Sầm Sơn, Phúc Yên, Hà Tiên, Đồng Xoài, Chí Linh, Long Khánh, Gia Nghĩa, Ngã Bảy, Thuận An, Hồng Ngự, Từ Sơn, Phổ Yên, Tân Uyên, Bến Cát, Gò Công.

16 thị xã gồm: Sơn Tây, Cửa Lò, Phú Thọ, Bỉm Sơn, La Gi, Sông Cầu, Long Mỹ, Tân Châu, Cai Lậy, Quảng Yên, Kỳ Anh, Bình Minh, Đông Triều, Phú Mỹ, An Nhơn, Kiến Tường.

Nguồn: Vietnam.net
12

Những quy định mới nhất về đất ở tại nông thôn theo Luật Đất đai 2024?

Đất ở tại nông thôn là đất ở do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng tại nông thôn, bao gồm đất để xây dựng nhà ở, công trình phục vụ đời sống và vườn, ao trong cùng thửa đất. Dưới đây là quy định mới nhất về đất ở tại nông thôn theo Luật Đất đai 2024 so với Luật Đất đai 2013.

Quy định về đất ở tại nông thôn theo Luật Đất đai 2024

Theo Điều 195 Luật Đất đai 2024 quy định về đất ở tại nông thôn như sau:

– Đất ở tại nông thôn là đất để làm nhà ở và mục đích khác phục vụ cho đời sống trong cùng một thửa đất thuộc khu vực nông thôn.

– Căn cứ vào quỹ đất và tình hình thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định hạn mức giao đất ở cho cá nhân tại nông thôn.

– Đất ở tại nông thôn phải bố trí đồng bộ với đất sử dụng cho mục đích xây dựng các công trình công cộng, công trình sự nghiệp bảo đảm thuận tiện cho sản xuất, đời sống của nhân dân, vệ sinh môi trường và theo hướng hiện đại hóa nông thôn.

– Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho những người sống ở nông thôn có chỗ ở trên cơ sở tận dụng đất trong những khu dân cư sẵn có, hạn chế việc mở rộng khu dân cư trên đất nông nghiệp.

Quy định về đất ở tại nông thôn theo Luật Đất đai 2013

Trong khi đó, theo Điều 143 Luật Đất đai 2013 quy định về đất ở tại nông thôn như sau:

– Đất ở do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng tại nông thôn gồm đất để xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình phục vụ đời sống, vườn, ao trong cùng thửa đất thuộc khu dân cư nông thôn, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

– Căn cứ vào quỹ đất của địa phương và quy hoạch phát triển nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định hạn mức đất giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở tại nông thôn; diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở phù hợp với điều kiện và tập quán tại địa phương.

– Việc phân bổ đất ở tại nông thôn trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải đồng bộ với quy hoạch các công trình công cộng, công trình sự nghiệp bảo đảm thuận tiện cho sản xuất, đời sống của nhân dân, vệ sinh môi trường và theo hướng hiện đại hóa nông thôn.

– Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho những người sống ở nông thôn có chỗ ở trên cơ sở tận dụng đất trong những khu dân cư sẵn có, hạn chế việc mở rộng khu dân cư trên đất nông nghiệp.

 THẠCH LAM (T/H)

Nguồn bài viết : https://laodong.vn/bat-dong-san/quy-dinh-moi-nhat-ve-dat-o-tai-nong-thon-theo-luat-dat-dai-2024-1344666.ldo

20

Có 2 thay đổi lớn liên quan đến Sổ đỏ theo Luật Đất đai 2024, là thay đổi gì?

Luật đất đai 2024, quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Có 2 sự thay đổi lớn trong Luật đất đai 2024, bao gồm:

Một là, sổ đỏ sẽ có tên gọi mới.

Sổ đỏ, là một thuật ngữ không xuất hiện trong lĩnh vực pháp lý. Nói một cách khác, thuật ngữ này không xuất hiện trong Luật đất đai, và các văn bản hướng dẫn thi hành của Luật đất đai. Đây là cách gọi thông thường, trong cuộc sống hằng ngày của hầu hết người dân, dựa trên màu sắc của GCN.

Những thay đổi về về tên gọi mới cho Sổ đỏ là một trong các thay đổi về Sổ đỏ từ 01/01/2025 được quy định tại Luật Đất đai 31/2024/QH15.

Cụ thể, khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai số 45/2013/QH13, Sổ đỏ hay chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất:

16. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

Trong khi đó, theo quy định mới nhất tại khoản 21 Điều 3 Luật năm 2024, Sổ đỏ được định nghĩa như sau:

21. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Trong đó, tài sản gắn liền với đất sẽ bao gồm nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất theo quy định của pháp luật.

Như vậy, theo quy định mới, tên gọi của Sổ đỏ đã được thay đổi gọn hơn và tài sản đã bao gồm tất cả các loại đã nêu ở tên gọi cũ.

Hai là, có mẫu sổ đỏ mới

Để phù hợp với quy định về tên gọi mới của sổ đỏ tại Luật Đất đai 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất mẫu sổ đỏ mới tại dự thảo Thông tư quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Theo đó, đề xuất về sổ đỏ từ 1.1.2025 như sau:

Theo khoản 1 Điều 3 dự thảo, mã QR code là một trong các nội dung được in trên trang 1 của giấy chứng nhận. Mã này sẽ do cơ quan cấp sổ đỏ in, để có thể tra cứu thông tin được in trên sổ đỏ và thông tin phản hồi là như nhau, nhằm mục đích chống làm giả giấy chứng nhận.

Như vậy, so với sổ đỏ trước đây chỉ có mã vạch là một dãy số nguyên dương in ở cuối trang 4 của sổ đỏ, có thể gồm 13 hoặc 15 chữ số.

Theo Điều 15 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT, mã vạch được sử dụng để quản lý, tra cứu thông tin của giấy chứng nhận, hồ sơ cấp giấy chứng nhận.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, để đảm bảo sự bảo mật cũng như tiện dụng thì Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất thêm mã QR code vào sổ đỏ. Cùng với các loại giấy tờ khác như thẻ Căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế… thì tới đây sổ đỏ cũng sẽ có mã QR.

            Nguồn: https://phunutoday.vn/sap-co-toi-2-thay-doi-lon-lien-quan-den-so-do-theo-luat-dat-dai-2024-la-thay-doi-gi-d416286.html
2-truong-hop-mua-ban-nha-dat-giay-viet-tay-duoc-cap-so-do-0921

Mua, bán đất bằng giấy viết tay có hiệu lực pháp lý không?

Hiện nay, kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, các giao dịch dân sự về mua bán nhà, đất cũng trở nên khá phổ biến trong đời sống hằng ngày. Tuy vậy, hầu hết người dân đều không nắm rõ các quy định pháp lý cần thiết về mua, bán nhà đất. Các giao dịch nhà, đất được thường được xác lập bằng giấy viết tay. Về hiệu lực của văn bản này dưới góc độ pháp lý như thế nào, mời các bạn xem bài viết dưới đây.

1. Giấy viết tay trong giao dịch mua, bán nhà đất?

Giấy viết tay trong giao dịch mua, bán nhà đất là văn bản giữa các chủ thể giữa “bên mua” và “bên bán” trong một giao dịch. Trên văn bản này, thông thường thể hiện các nội dung như: Họ và tên bên mua, bên bán; giá; quyền và nghĩa vụ của các bên; chữ ký của các bên…Tuy nhiên, văn bản này không được “công chứng”, “chứng thực” theo quy định của pháp luật.

2. Hiệu lực của giấy mua, bán nhà đất viết tay?

– Căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 167 Luật đất đai năm 2013, quy định về Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực.

– Ở một văn bản luật khác, yêu cầu về hình thức được đặt ra đối với giao dịch được thể hiện như sau: Khoản 2, Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định về hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

–> Như vậy, dựa vào các cơ sở pháp lý nêu trên, giấy viết tay hay các văn bản thỏa thuận chuyển nhượng nhà, đất khác cần thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực để đảm bảo giá trị pháp lý. Nếu vi phạm về thủ tục công chứng, chứng thực rất có khả năng giao dịch sẽ bị vô hiệu về hình thức.

Các quy định trên cũng có những ngoại lệ nhất định, được thể hiện tại Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ 2 trường hợp sau đây:

Một là, giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.

Hai là, giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.

Như vậy, giấy mua bán nhà đất viết tay không có công chứng, chứng thực nếu đã thực hiện ít nhất ⅔ nghĩa vụ trong giao dịch thì người dân có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của hợp đồng mà không cần thực hiện việc công chứng, chứng thực.

16

ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC CẤP SỔ ĐỎ NĂM 2024?

Sổ đỏ là cách gọi thông dụng của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong đời sống hằng ngày. Vậy, điều kiện cấp Giấy chứng nhận trong năm 2024 là gì, mời bạn tham khảo nội dung sau đây:

Cơ sở pháp lý: Điều 100 Luật đất đai năm 2013, Điều 18 Nghị định 43/2014 quy định:

Trường hợp 1: Hộ gia đình, có giấy tờ về quyền sử dụng đất.

Khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai năm 2013, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có một trong các loại giấy tờ sau thì được cấp sổ đỏ và không phải nộp tiền sử dụng đất:

– Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15.10.1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai.

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15.10.1993 (ngày Luật Đất đai 1993 có hiệu lực).

– Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất.

– Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15.10.1993 được UBND cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15.10.1993.

– Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật.

– Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất như: Bằng khoán điền thổ; văn tự mua bán nhà ở…

– Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15.10.1993.

Trường hợp 2: Có giấy tờ về quyền sử dụng đất nhưng giấy tờ đó ghi tên người khác

Theo khoản 2 Điều 100 Luật đất đai 2013, hộ gia đình, cá nhân được cấp giấy chứng nhận và không phải nộp tiền sử dụng đất nếu đủ điều kiện sau:

+ Đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất nhưng giấy tờ đó ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan.

+ Nhưng đến trước ngày 1.7.2014 chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất.

+ Không có tranh chấp.

Trường hợp 3: Hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất theo bản án, quyết định của Tòa án, kết quả hòa giải…

– Hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân.

– Quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án.

– Văn bản công nhận kết quả hòa giải thành.

– Quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành.

Trường hợp 4: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê đất từ ngày 15.10.1993 – 1.7.2014 mà chưa được cấp giấy chứng nhận thì được cấp; trường hợp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện.

Cấp sổ đỏ khi đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất

Theo Điều 101 Luật Đất đai 2013, hộ gia đình, cá nhân không có giấy tờ về quyền sử dụng đất vẫn được cấp sổ đỏ, cụ thể:

Trường hợp 1: Không phải nộp tiền sử dụng đất

Hộ gia đình, cá nhân không có các giấy tờ về quyền sử dụng đất được cấp sổ đỏ và không phải nộp tiền sử dụng đất khi có đủ 3 điều kiện sau:

– Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày 1.7.2014.

– Có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

– Được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp.

Trường hợp 2: Có thể phải nộp tiền sử dụng đất

Hộ gia đình, cá nhân được cấp sổ đỏ và có thể nộp tiền sử dụng đất khi có đủ 3 điều kiện sau:

– Đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 1.7.2004.

– Đất đang sử dụng không vi phạm pháp luật về đất đai.

– Được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch.

Nguồn: https://laodong.vn/bat-dong-san/quy-dinh-ve-dieu-kien-cap-so-do-nam-2024-1300389.ldo

 

tải xuống (1)

Một số vấn đề về công chứng hợp đồng ủy quyền?

Việc lập và công chứng hợp đồng ủy quyền được coi là căn cứ pháp lý và là chứng cứ xác thực, tin cậy cho việc thực hiện các giao dịch do người đại diện theo ủy quyền thực hiện nhân danh người ủy quyền. Trên thực tế, việc công chứng hợp đồng uỷ quyền ngày càng tăng, phát sinh không ít những vướng mắc, bất cập liên quan đến chủ thể, đối tượng của hợp đồng ủy quyền; quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia giao kết hợp đồng ủy quyền.

1. Một số vướng mắc, khó khăn

Ủy quyền là quan hệ phổ biến trong thực tiễn cuộc sống hiện nay khi các cá nhân, tổ chức không tiện thực hiện công việc của mình nên đã ủy quyền cho người khác thực hiện thay thông qua hợp đồng ủy quyền. Việc ủy quyền này giúp cho cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện hơn trong việc thực hiện các giao dịch dân sự đồng thời tiết kiệm được nhiều thời gian do khoảng cách địa lý và tính chất đặc thù của công việc không tiện đến các tổ chức hành nghề công chứng để thực hiện các giao dịch dân sự. Tuy nhiên, khi nhắc đến hợp đồng ủy quyền không thể không đề cập đến rủi ro cũng như những khó khăn cho Công chứng viên khi tiến hành công chứng hợp đồng ủy quyền, cụ thể:

Một là, liên quan đến việc đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền

Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền được quy định tại Điều 569 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015. Theo đó, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền được quy định trong hai trường hợp: (1) Ủy quyền có thù lao; (2) Ủy quyền không có thù lao. Trong cả hai trường hợp, bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền đều có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền bất cứ lúc nào nhưng phải kèm theo các điều kiện khác nhau và phải báo trước cho bên kia một thời gian hợp lý. Tuy nhiên, thời gian hợp lý cụ thể là bao lâu thì chưa có hướng dẫn cụ thể. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp phát sinh. Bởi lẽ, chủ thể trong quan hệ ủy quyền không thể tự mình ước lượng và đưa ra thời gian cụ thể báo trước cho bên còn lại. Để quy định này không còn mang tính hình thức, cần phải xác định cụ thể thời gian báo trước đối với trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền.

Mặt khác, BLDS năm 2015 đã quy định rõ điều khoản đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền. Tuy nhiên, tại Điều 51 Luật công chứng năm 2014 sửa đổi, bổ sung năm 2018 chỉ quy định công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch như sau: “Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó”. Như vậy, quy định trên không đề cập đến việc đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền đã công chứng mà chỉ đề cập về việc hai bên thỏa thuận sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng. Chính sự bất cập, không rõ ràng nêu trên đã dẫn đến không ít khó khăn cho Công chứng viên khi áp dụng trên thực tế. Công chứng viên thực hiện công chứng việc đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền của bên nhận ủy quyền hoặc bên ủy quyền, chỉ cần một trong hai bên xuất trình hợp đồng ủy quyền đã ký kết và chứng minh việc đã thông báo cho bên kia một khoảng thời gian hợp lý để thực hiện đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền. Mặt khác, các tổ chức công chứng chỉ chấp nhận việc chấm dứt hợp đồng ủy quyền khi cả hai bên đến tổ chức hành nghề công chứng đã ký kết hợp đồng ủy quyền để cùng ký vào văn bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng ủy quyền.

Hai là, liên quan đến vấn đề hợp đồng ủy quyền giả tạo

Hợp đồng ủy quyền là một trong số các giao dịch có tính rủi ro cao, thường bị nhầm lẫn hay lạm dụng để che giấu một giao dịch khác. Các vụ lừa đảo cho vay tiền và thế chấp nhà cửa, đất đai thông qua hợp đồng chuyển nhượng có ủy quyền là biểu hiện của tình trạng lạm dụng hình thức này hay việc chuyển nhượng nhà cửa, đất đai nhưng lại được các bên thỏa thuận xác lập dưới dạng ủy quyền, khi giá thị trường có biến động mạnh thường dẫn đến tranh chấp. Việc làm của các bên thông qua xác lập hợp đồng ủy quyền đã che giấu bản chất thực của hợp đồng, làm mất đi tính tự nguyện của giao dịch, làm cho nội dung ủy quyền không phản ánh trung thực, khách quan. Từ đó, hợp đồng ủy quyền dần mất đi tính xác thực, dễ trở thành giao dịch bất hợp pháp.

Trên thực tế, khi tiến hành chuyển nhượng bất động sản, các bên thường sử dụng hợp đồng ủy quyền. Vì nhiều lý do như: Những bất động sản mà chưa đáp ứng đủ điều kiện để tiến hành việc mua bán. Các bên thỏa thuận lập hợp đồng ủy quyền nhằm che giấu giao dịch mua bán bất động sản. Theo đó, các bên sẽ tiến hành lập hai hợp đồng là hợp đồng mua bán bất động sản và hợp đồng ủy quyền. Nội dung hợp đồng mua bán bất động sản sẽ nêu rõ đặc điểm bất động sản, giá cả, phương thức thanh toán, đặt cọc, quyền và nghĩa vụ của các bên… Tuy nhiên, hợp đồng này sẽ không được công chứng, chứng thực theo quy định, thay vào đó, để hợp pháp hóa việc chuyển giao bất động sản, các bên lập thêm hợp đồng ủy quyền, trong đó, bên bán (bên ủy quyền) ủy quyền cho bên mua (bên được ủy quyền) toàn quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt bất động sản. Hợp đồng ủy quyền này sẽ giúp các bên chuyển giao “quyền sở hữu” từ bên bán (bên ủy quyền) sang bên mua (bên được ủy quyền). Bên được ủy quyền sẽ hưởng mọi quyền của một chủ sở hữu tài sản theo pháp luật Việt Nam (quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản). Để bảo đảm tính xác thực của hợp đồng, hai bên tiến hành công chứng hợp đồng ủy quyền tại các tổ chức hành nghề công chứng. Sau khi hoàn thành mọi thủ tục về mặt pháp lý đối với hợp đồng ủy quyền nói trên, các bên yên tâm về tính pháp lý vì tổ chức hành nghề công chứng đã xác thực việc hưởng mọi quyền của một chủ sở hữu bất động sản đối với bên được ủy quyền. Tuy nhiên, các bên không thể lường trước được hết những rủi ro khi sử dụng hợp đồng ủy quyền nhằm che giấu hợp đồng mua bán thật.

Chẳng hạn, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng hợp đồng uỷ quyền sẽ không có hiệu lực pháp luật, bởi chỉ khi nào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai thì việc chuyển nhượng mới có hiệu lực. Để tiến hành đăng ký vào sổ địa chính, thì cần có hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã công chứng. Như vậy, hợp đồng ủy quyền đương nhiên không phải là hình thức chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ người này sang người khác, mà người được ủy quyền chỉ nhân danh người ủy quyền để thực hiện các giao dịch như mua, bán, tặng, cho, cầm cố, thế chấp. Do đó, hợp đồng ủy quyền không làm phát sinh đầy đủ giá trị pháp lý khi một người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ người khác. Đồng thời, khi giá đất lên cao, bên ủy quyền có thể dễ dàng đổi ý thì rất dễ xảy ra tình trạng bên ủy quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu vì bản chất của hợp đồng ủy quyền nhằm che đậy việc chuyển quyền sử dụng nhà đất. Vì vậy, không thể chứng minh hiệu lực của việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong trường hợp này.

Mặt dù, hợp đồng ủy quyền luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng khi các chủ thể yêu cầu công chứng hợp đồng ủy quyền thì Công chứng viên không có quyền từ chối vì người có tài sản có toàn quyền yêu cầu ký loại hợp đồng ủy quyền này. Nếu Công chứng viên từ chối sẽ vi phạm vào những việc Công chứng viên không được làm trong quan hệ với người yêu cầu công chứng quy định tại Điều 9 Thông tư số 11/2012/TT-BTP ngày 30/10/2012 của Bộ Tư pháp ban hành Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng và bị xử lý vi phạm theo Điều 71 Luật công chứng năm 2014 sửa đổi, bổ sung năm 2018. Thực tế, khi xảy ra tranh chấp (bên được ủy quyền đã bán mất tài sản được ủy quyền) thì bên ủy quyền thường khai báo với cơ quan có thẩm quyền là không biết nội dung và hậu quả pháp lý của việc ủy quyền, không được Công chứng viên giải thích.

Ba là, về hợp đồng ủy quyền chấm dứt khi một trong các bên trong hợp đồng ủy quyền chết

Quy định về trường hợp một trong các bên giao kết hợp đồng ủy quyền chết thì hợp đồng ủy quyền chấm dứt. Quy định này chưa giải quyết triệt để vấn đề và bảo vệ quyền lợi của các bên. Trường hợp các bên không thể biết được bên kia đã chết nếu không có sự thông báo của người khác hoặc trường hợp một bên đã biết bên còn lại đã chết nhưng muốn giấu để tiếp tục thực hiện xong công việc như ủy quyền (đặc biệt là ủy quyền liên quan đến bất động sản). Bên cạnh đó, cũng chưa có quy định nào đề cập vấn đề khi một trong các bên trong hợp đồng ủy quyền chết thì bên kia phải có cách xử lý như thế nào để bảo vệ được quyền lợi của các bên trong quan hệ ủy quyền.

Ngoài ra, khi bên được ủy quyền đến tổ chức hành nghề công chứng để thực hiện các công việc được ủy quyền thì Công chứng viên khó có thể xác định được bên ủy quyền còn sống hay đã chết. Nếu Công chứng viên yêu cầu chứng minh sẽ gây hiểu lầm là làm khó dễ cho bên được ủy quyền khi thực hiện công việc được ủy quyền, trường hợp không yêu cầu cung cấp thì Công chứng viên không có cơ sở công chứng hợp đồng giao dịch liên quan đến hợp đồng ủy quyền cho bên được ủy quyền tiếp tục thực hiện nội dung công việc được ủy quyền.

Bốn là, khó khăn cho Công chứng viên khi xác định giấy tờ thật, giả

Hiện nay, việc sử dụng công nghệ cao trong in ấn với các văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ đều được làm giả một cách rất tinh vi. Những trường hợp giấy tờ giả được làm bằng phôi thật, chữ ký và con dấu giả nhưng thông tin trong giấy tờ hoàn toàn trùng hợp với thông tin giao dịch trước đó (ví dụ một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng làm giả thành 03 bản, thông tin hoàn toàn trùng khớp với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thật và được mang đi giao dịch nhiều nơi).

Hiện tượng làm giả giấy tờ tác động xấu đến việc bảo đảm an toàn pháp lý trong giao dịch dân sự, giải quyết thủ tục hành chính, thiệt hại về vật chất cho người dân. Không ít đối tượng thuê người mạo danh chủ sở hữu của một số loại tài sản có giá trị để giao dịch mua bán nhằm “qua mặt” Công chứng viên. Với các thủ đoạn khác nhau được thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, nhiều đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt của các tổ chức, cá nhân số tiền hàng tỉ đồng. Ngoài thiệt hại về vật chất, các hành vi này còn ảnh hưởng đến uy tín của các tổ chức hành nghề công chứng.

Ví dụ: Năm 2016, bà Vương Thị H đăng báo bán thửa đất ở quận 2, thành phố H. Lần đầu, M đến gặp bà H hỏi mua đất và yêu cầu xem bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau đó, M cùng hai người khác quay lại gặp bà H và đánh tráo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả đã chuẩn bị sẵn để lấy bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thật. Tiếp đó, M đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho D thuê người đóng giả bà H, còn T đóng giả chồng bà H để ra công chứng ủy quyền bán đất. Công chứng viên thuộc Văn phòng công chứng P công chứng hợp đồng ủy quyền cho N được toàn quyền quyết định đối với thửa đất của vợ chồng bà H. Sau khi sang tên xong, thửa đất này được các đối tượng làm giả bán lại cho người khác giá 7,5 tỉ đồng. Tháng 10/2019, Tòa án nhân dân thành phố H xét xử sơ thẩm đã phạt bị cáo D 13 năm tù, T 07 năm tù về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buộc cả hai bị cáo liên đới bồi thường cho người bị hại hơn 4,9 tỉ đồng. Nếu hai bị cáo không có khả năng bồi thường thì Văn phòng công chứng P, nơi công chứng hợp đồng ủy quyền phải có nghĩa vụ bồi thường thay.

Do các loại giấy tờ được làm giả bằng phương pháp tinh vi nên Công chứng viên không thể nhận biết được. Để xác định thật, giả ngoài việc phải trang bị phương tiện, máy móc hiện đại, cần phải có mẫu phẩm để đối chiếu, so sánh và mất nhiều thời gian. Hiện nay công nghệ làm giả giấy tờ đạt đến mức tinh xảo, trong khi Công chứng viên bằng kinh nghiệm và mắt thường kiểm tra các giấy tờ rất khó phát hiện.

Như vậy, hợp đồng ủy quyền không chỉ mang đến rủi ro cho các chủ thể tham gia hợp đồng, mà còn đem lại không ít rủi ro cho Công chứng viên khi tiến hành công chứng hợp đồng, giao dịch nói chung và hợp đồng ủy quyền nói riêng khi đứng trước những hành vi, thủ đoạn lừa đảo tinh vi.

2. Giải pháp, kiến nghị hoàn thiện

2.1. Cần hoàn thiện quy định về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền

Để các quy định về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền của BLDS năm 2015 được hiện thực hóa, cần có sự điều chỉnh để thống nhất giữa các quy định của luật chung và luật chuyên ngành là Luật công chứng năm 2014 sửa đổi, bổ sung năm 2018. Cụ thể, Luật công chứng năm 2014 cần nêu rõ về việc một trong hai bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền đã công chứng và phải đáp ứng các điều kiện tương tự như quy định tại Điều 569 BLDS năm 2015. Tuy nhiên, cần quy định rõ nếu bên ủy quyền hoặc bên được ủy quyền muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền phải thông báo cho bên được ủy quyền hoặc bên ủy quyền trước 03 ngày làm việc. Bên cạnh đó, nội dung hợp đồng ủy quyền cần có các quy định cụ thể về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền và trách nhiệm của các bên để từ đó hạn chế được việc đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền.

2.2. Xây dựng cơ sở pháp lý để hạn chế hợp đồng ủy quyền giả tạo

Để hạn chế tình trạng giao kết hợp đồng ủy quyền giả tạo trên thực tế, cần bổ sung những quy định mới về nghĩa vụ, xác định rõ những công việc và phạm vi ủy quyền cụ thể trong nội dung hợp đồng khi giao kết hợp đồng ủy quyền. Trường hợp có cơ sở xác định việc các bên sử dụng hợp đồng ủy quyền để che giấu một giao dịch khác thì phải có chế tài áp dụng và có các quy định hạn chế công chứng những trường hợp nêu trên tại các tổ chức hành nghề công chứng, nhằm hạn chế việc xác lập hợp đồng ủy quyền giả tạo vào trong các văn bản quy phạm pháp luật để có cơ sở áp dụng và có giá trị pháp lý cao, tạo điều kiện thuận lợi cho Công chứng viên khi tiến hành công chứng hợp đồng ủy quyền.

Đồng thời, trước khi các bên ký kết hợp đồng ủy quyền, Công chứng viên cần giải thích rõ nội dung, hậu quả pháp lý của hợp đồng ủy quyền cho các bên nghe và hiểu rõ, các bên cam kết tự chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật khi xảy ra tranh chấp và hoàn toàn tự nguyện ký vào hợp đồng ủy quyền.

2.3. Cần bổ sung thêm quy định

Cần bổ sung thêm quy địnhđể làm rõ trong trường hợp một trong các bên tham gia hợp đồng ủy quyền chết thì trách nhiệm của bên còn lại và những người liên quan sẽ như thế nào để có thể đảm bảo tốt nhất về quyền và lợi ích của các bên tham gia vào quan hệ ủy quyền. Về vấn đề này, để xác minh được bên ủy quyền còn sống hay đã chết, Công chứng viên cần bổ sung thông tin liên lạc của bên ủy quyền trong hợp đồng ủy quyền vào điều khoản quyền và nghĩa vụ của bên được ủy quyền nội dung như sau: “Bên được ủy quyền thực hiện công việc theo ủy quyền và phải báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc thông qua số điện thoại của bên ủy quyền”. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro cho Công chứng viên khi xác minh bên ủy quyền còn sống hay đã chết; để việc xác minh thêm an toàn, khi bên được ủy quyền đến tổ chức hành nghề công chứng thực hiện công việc được ủy quyền, Công chứng viên liên hệ với bên ủy quyền để xác nhận.

2.4. Trong việc xác định giấy tờ thật, giả

Đối với trường hợp sử dụng giấy tờ giả, Công chứng viên cần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và trách nhiệm trong hành nghề công chứng. Ngoài việc kiểm tra các giấy tờ tùy thân, hồ sơ, quan sát thái độ của người yêu cầu công chứng… cần áp dụng chặt chẽ một số biện pháp nghiệp vụ như: Sử dụng máy soi, kính lúp để quan sát kỹ giấy tờ, kiểm tra, xác minh đối chiếu thông tin, kịp thời phát hiện việc giả mạo khi tiếp nhận hồ sơ.

Để ngăn chặn tình trạng giấy tờ giả trong hoạt động công chứng, các cơ quan quản lý tổ chức hành nghề công chứng, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam cần thường xuyên phối hợp với cơ quan có kỹ năng nghiệp vụ về phân biệt giấy tờ giả, tổ chức tập huấn nâng cao trình độ cho Công chứng viên. Các tổ chức hành nghề công chứng cũng cần áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao trong hoạt động công chứng. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế phối hợp chuyên môn giữa tổ chức hành nghề công chứng với các cơ quan có thẩm quyền trong việc trình báo, tố giác, cung cấp tài liệu, tạm giữ giấy tờ của người vi phạm.

Ngoài ra, Nhà nước cần hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng tại các địa phương, cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc; thực hiện việc cập nhật, kết nối, chia sẻ các dữ liệu có liên quan đến hoạt động công chứng. Đây là giải pháp lâu dài để giải quyết tình trạng sử dụng giấy tờ giả để công chứng.

Theo kiemsat.vn

 

ThS. NGUYỄN THÀNH MINH CHÁNH – NGUYỄN THỊ THÙY TRANG 

888-1

Điều khoản chuyển tiếp (Điều 688) thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015

Nghiên cứu

Điều khoản chuyển tiếp (Điều 688) thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015

Trong văn bản quy phạm pháp luật, ở phần cuối của văn bản thường có quy định về Điều khoản thi hành. Điều khoản thi hành thường có Điều khoản chuyển tiếp và Điều khoản về hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, trong thực tế áp dụng những quy định này trong nhiều trường hợp khá phức tạp, còn có những vướng mắc phải giải quyết.

1.Quy định chuyển tiếp và thực tiễn vướng mắc

Trong văn bản quy phạm pháp luật, ở phần cuối của văn bản thường có quy định về Điều khoản thi hành. Điều khoản thi hành thường có Điều khoản chuyển tiếp và Điều khoản về hiệu lực thi hành. Điều khoản chuyển tiếp là quy định về trường hợp phải áp dụng pháp luật cũ hay những quan hệ pháp luật được xác lập trước thời điểm pháp luật mới có hiệu lực thì khi nào áp dụng pháp luật cũ, khi nào áp dụng pháp luật mới hay còn gọi là quy định hồi tố. Việc áp dụng pháp luật chuyển tiếp phải được quy định và thực hiện thống nhất vì áp dụng pháp luật khác nhau sẽ dẫn đến những quyết định rất khác nhau. Tình trạng vướng mắc này đang xảy ra khá nhiều trong hoàn cảnh Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) mới có hiệu lực (01/01/2017).

Ví dụ 1: Ông A bán nhà cho ông B vào năm 2013, chỉ có hợp đồng viết tay, không có công chứng, chứng thực. Hai bên thỏa thuận giá 01 tỷ đồng và ông B đã trả được 800 triệu đồng vào năm 2017. Năm 2018 mới xảy ra tranh chấp. Theo pháp luật ở thời điểm giao dịch năm 2013 (BLDS năm 2005 và Luật Nhà ở 2005) thì hợp đồng mua bán nhà ở vô hiệu do vi phạm về hình thức; Tòa án đã ấn định thời hạn để các bên hoàn thiện về hình thức mà vẫn không thực hiện thì Tòa án vẫn phải tuyên bố hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả tuyên bố vô hiệu. Vậy Tòa án có thể áp dụng quy định mới tại BLDS năm 2015 để công nhận hợp đồng có hiệu lực do một bên đã thực hiện được trên 2/3 nghĩa vụ (800 triệu/ 01 tỷ đồng) theo quy định tại Điều 129 hay không?

Ví dụ 2: Bà M cho bà N vay 500 triệu đồng từ năm 01/5/2015 với thỏa thuận lãi suất 1,5% tháng. Năm 2018, bà M kiện đòi trả nợ. Mức lãi suất 1,5%/tháng là quá cao ở thời điểm vay (18%/năm). Việc điều chỉnh lại lãi suất nếu áp dụng theo quy định của BLDS năm 2005 thì không quá 13,5%/năm (Điều 476) nhưng nếu theo quy định của BLDS năm 2015 thì còn được tới 20%/năm (Điều 468).

2. Mối quan hệ giữa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các pháp luật khác về quy định chuyển tiếp

Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật là: “1.Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó”.

Như vậy, nguyên tắc chung nhất là hành vi xảy ra ở thời điểm nào thì áp dụng pháp luật ở thời điểm đó. Khi văn bản quy phạm pháp luật cụ thể có quy định khác, như quy định hồi tố (có hiệu lực trở về trước) thì mới được áp dụng khác với nguyên tắc chung nhất nêu trên. Khi văn bản quy phạm pháp luật cụ thể không có quy định chuyển tiếp thì phải hiểu là đương nhiên thực hiện theo nguyên tắc chung nêu trên; chỉ quy định chuyển tiếp đối với một số giao dịch thì phải hiểu các giao dịch khác không được quy định sẽ phải được áp dụng nguyên tắc chung nêu trên.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là luật chung cho toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, khi luật chuyên ngành không quy định thì phải áp dụng luật chung. Phải trên cơ sở nguyên tắc đó để hiểu quy định của luật chuyên ngành và có đề xuất hướng dẫn hay giải thích cần thiết.

3. Về Điều 688 (Điều khoản chuyển tiếp) của Bộ luật Dân sự năm 2015

Khoản 1 Điều 688 quy định về việc áp dụng pháp luật cho các “giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực”, tức là trước 01/01/2017.

Điểm a của khoản 1 Điều 688 quy định: “Giao dịch dân sự chưa được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của Bộ luật này thì chủ thể giao dịch tiếp tục thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự 33/2005/QHH11, trừ trường hợp các bên của giao dịch dân sự có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung nội dung, hình thức của giao dịch để phù hợp với Bộ luật này và để áp dụng quy định của Bộ luật này.

Giao dịch dân sự đang được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy dịnh của Bộ luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11”.

Điểm a nêu trên quy định cho trường hợp giao dịch có “nội dung, hình thức khác” với quy định của bộ luật mới. Tuy nhiên, cần lưu ý là đây là quy định cho các ‘chủ thể giao dịch” tức là những người tham gia vào giao dịch, chứ không phải quy định áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp.
Điểm b của khoản 1 Điều 688 quy định: “Giao dịch dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật này”.

Điểm b này không nêu rõ quy định giành cho các chủ thể của giao dịch như điểm a nhưng việc có vị trí tiếp theo điểm a, quy định cùng về vấn đề giao dịch xác lập trước khi bộ luật mới có hiệu lực, “chưa thực hiện” hoặc “đang thực hiện”, chỉ khác là trường hợp có nội dung, hình thức giao dịch phù hợp với bộ luật mới thì cần được hiểu đây cũng là quy định cho chủ thể của giao dịch; không phải quy định áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp.

Điểm c khoản 1 Điều 688 quy định: “Giao dịch dân sự được thực hiện xong trước ngày Bộ luật này có hiệu lực mà có tranh chấp thì áp dụng quy định của Bộ luật số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 để giải quyết”.

Quy định của điểm c là áp dụng pháp luật “để giải quyết” tranh chấp. Đây là khác biệt cơ bản so với quy định của điểm a và điểm b. Nhưng quy định “để giải quyết” này mới chỉ cho trường hợp giao dịch dân sự “được thực hiện xong” trước ngày bộ luật mới có hiệu lực. Như vậy, trường hợp giao dich dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện thì Điều 688 không có quy định áp dụng pháp luật nào để giải quyết tranh chấp. Do Điều 688 không có quy định, vấn đề này sẽ phải trở lại áp dụng luật chung là Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Như vậy, trường hợp giao dịch dân sự xác lập trước khi bộ luật mới có hiệu lực mà chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện thì phải áp dụng pháp luật ở thời điểm xác lập để giải quyết tranh chấp.

4. Việc áp dụng những quy định chuyển tiếp trong Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP

Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm đã có một số nội dung quy định chuyển tiếp. Nội dung hướng dẫn về quy định chuyển tiếp trong Nghị quyết 01/2019 cũng thể hiện nguyên tắc áp dụng pháp luật của Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nghị quyết 01/2019 có những quy định về khái niệm có thể tham khảo khi áp dụng quy định chuyển tiếp của Điều 688 như: hợp đồng được thực hiện xong; hợp đồng chưa được thực hiện; hợp đồng đang được thực hiện; hợp đồng có quy định phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015…

Từ quy định của Nghị quyết 01/2019, vướng mắc từ Ví dụ 2 nêu trên đã được hướng dẫn. Đây là hợp đồng vay tiền không phải hợp đồng tín dụng đang được thực hiện ở thời điểm Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực (01/01/2017). Đây cũng là hợp đồng có thỏa thuận về lãi suất phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2015 (mức lãi suất 18%/năm không vượt quá mức 20%/năm). Theo hướng dẫn của Nghị quyết 01/2019 thì lãi được tính trong khoảng thời gian từ 01/5/2015 đến 31/12/2006 phải theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 là 13,5 %/năm; từ 01/01/2007 đến khi xét xử sơ thẩm phải theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 là 18%/năm.

Có điểm đáng chú ý là tại Điều 688 chỉ nói đến Bộ luật Dân sự năm 2015 (Bộ luật này) và Bộ luật Dân sự năm 2005 (Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11) nhưng tại Nghị quyết 01/2019 lại quy định áp dụng cả Bộ luật Dân sự năm 1995. Điều này không trái nguyên tắc là điều khoản chuyển tiếp chưa quy định thì áp dụng quy định chung của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

5. Những vướng mắc cần tiếp tục giải quyết về quy định chuyển tiếp.

Nghị quyết 01/2019 đã có quy định để giải quyết Ví dụ 2, nhưng Ví dụ 1 nêu trên, cần phải được giải quyết như thế nào?

Có ý kiến cho rằng: Xác định tính chất của giao dịch (vô hiệu hay có hiệu lực, vô hiệu thuộc loại nào) thì căn cứ theo pháp luật ở thời điểm giao kết hợp đồng; xử lý hậu quả thì phải căn cứ vào pháp luật ở thời điểm xử lý. Vì vậy, trong Ví dụ 1, thời điểm giải quyết tranh chấp đã là thời kỳ thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015 nên có thể áp dụng Điều 129 để công nhận hợp đồng vì bên mua đã thi hành trên 2/3 nghĩa vụ trả tiền.

Cũng có ý kiến cho rằng: Việc giao kết hợp đồng ở thời điểm thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005 và Luật Nhà ở năm 2005 nhưng việc trả tiền là ở thời kỳ thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015 (trả 800 triệu vào năm 2017) nên phải xử lý việc trả tiền này theo Bộ luật Dân sự năm 2015.

Cần lưu ý rằng: Một quy phạm pháp luật đều có phần giả định, phần quy định, phần chế tài. Về kỹ thuật, nhà làm luật có thể thể hiện phần chế tài vào một nhóm nhưng về thực chất thì quy phạm pháp luật vẫn có 3 phần như nêu ở trên. Áp dụng một quy phạm pháp luật là áp dụng cả 3 quy định về giả định, quy định, chế tài. Một giao dịch được quy định là vô hiệu hay có hiệu lực đã đi kèm theo quy định về xử lý. Do vậy, không thể hiểu là khi giải quyết thì áp dụng pháp luật ở thời điểm giải quyết hoặc có hành vi xảy ra ở thời điểm luật mới là đương nhiên được áp dụng hồi tố. Do đó, trường hợp của Ví dụ 1 phải áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2005 và Luật Nhà ở 2005 tuyên bố hợp đồng vô hiệu do vi phạm quy định về hình thức của hợp đồng; ấn đinh một thời hạn để các bên hoàn thiện về hình thức, nếu vẫn không hoàn thiện về hình thức phải tuyên bố hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả tuyên bố vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005.

Có thể tóm lại là: Trừ những trường hợp đã được quy định tại Điều 688 và các văn bản pháp quy hướng dẫn (như Nghị quyết 01/2019), việc áp dụng pháp luật phải theo nguyên tắc áp dụng pháp luật ở thời điểm thực hiện hành vi, kể cả quy định về trách nhiệm từ hành vi đó.

CHU XUÂN MINH ( Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao)

Nguồn Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (https://tapchitoaan.vn)

Điều khoản chuyển tiếp (Điều 688) thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015

Nghiên cứu

Điều khoản chuyển tiếp (Điều 688) thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015

Trong văn bản quy phạm pháp luật, ở phần cuối của văn bản thường có quy định về Điều khoản thi hành. Điều khoản thi hành thường có Điều khoản chuyển tiếp và Điều khoản về hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, trong thực tế áp dụng những quy định này trong nhiều trường hợp khá phức tạp, còn có những vướng mắc phải giải quyết.

1.Quy định chuyển tiếp và thực tiễn vướng mắc

Trong văn bản quy phạm pháp luật, ở phần cuối của văn bản thường có quy định về Điều khoản thi hành. Điều khoản thi hành thường có Điều khoản chuyển tiếp và Điều khoản về hiệu lực thi hành. Điều khoản chuyển tiếp là quy định về trường hợp phải áp dụng pháp luật cũ hay những quan hệ pháp luật được xác lập trước thời điểm pháp luật mới có hiệu lực thì khi nào áp dụng pháp luật cũ, khi nào áp dụng pháp luật mới hay còn gọi là quy định hồi tố. Việc áp dụng pháp luật chuyển tiếp phải được quy định và thực hiện thống nhất vì áp dụng pháp luật khác nhau sẽ dẫn đến những quyết định rất khác nhau. Tình trạng vướng mắc này đang xảy ra khá nhiều trong hoàn cảnh Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) mới có hiệu lực (01/01/2017).

Ví dụ 1: Ông A bán nhà cho ông B vào năm 2013, chỉ có hợp đồng viết tay, không có công chứng, chứng thực. Hai bên thỏa thuận giá 01 tỷ đồng và ông B đã trả được 800 triệu đồng vào năm 2017. Năm 2018 mới xảy ra tranh chấp. Theo pháp luật ở thời điểm giao dịch năm 2013 (BLDS năm 2005 và Luật Nhà ở 2005) thì hợp đồng mua bán nhà ở vô hiệu do vi phạm về hình thức; Tòa án đã ấn định thời hạn để các bên hoàn thiện về hình thức mà vẫn không thực hiện thì Tòa án vẫn phải tuyên bố hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả tuyên bố vô hiệu. Vậy Tòa án có thể áp dụng quy định mới tại BLDS năm 2015 để công nhận hợp đồng có hiệu lực do một bên đã thực hiện được trên 2/3 nghĩa vụ (800 triệu/ 01 tỷ đồng) theo quy định tại Điều 129 hay không?

Ví dụ 2: Bà M cho bà N vay 500 triệu đồng từ năm 01/5/2015 với thỏa thuận lãi suất 1,5% tháng. Năm 2018, bà M kiện đòi trả nợ. Mức lãi suất 1,5%/tháng là quá cao ở thời điểm vay (18%/năm). Việc điều chỉnh lại lãi suất nếu áp dụng theo quy định của BLDS năm 2005 thì không quá 13,5%/năm (Điều 476) nhưng nếu theo quy định của BLDS năm 2015 thì còn được tới 20%/năm (Điều 468).

2. Mối quan hệ giữa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các pháp luật khác về quy định chuyển tiếp

Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật là: “1.Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó”.

Như vậy, nguyên tắc chung nhất là hành vi xảy ra ở thời điểm nào thì áp dụng pháp luật ở thời điểm đó. Khi văn bản quy phạm pháp luật cụ thể có quy định khác, như quy định hồi tố (có hiệu lực trở về trước) thì mới được áp dụng khác với nguyên tắc chung nhất nêu trên. Khi văn bản quy phạm pháp luật cụ thể không có quy định chuyển tiếp thì phải hiểu là đương nhiên thực hiện theo nguyên tắc chung nêu trên; chỉ quy định chuyển tiếp đối với một số giao dịch thì phải hiểu các giao dịch khác không được quy định sẽ phải được áp dụng nguyên tắc chung nêu trên.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là luật chung cho toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, khi luật chuyên ngành không quy định thì phải áp dụng luật chung. Phải trên cơ sở nguyên tắc đó để hiểu quy định của luật chuyên ngành và có đề xuất hướng dẫn hay giải thích cần thiết.

3. Về Điều 688 (Điều khoản chuyển tiếp) của Bộ luật Dân sự năm 2015

Khoản 1 Điều 688 quy định về việc áp dụng pháp luật cho các “giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực”, tức là trước 01/01/2017.

Điểm a của khoản 1 Điều 688 quy định: “Giao dịch dân sự chưa được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của Bộ luật này thì chủ thể giao dịch tiếp tục thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự 33/2005/QHH11, trừ trường hợp các bên của giao dịch dân sự có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung nội dung, hình thức của giao dịch để phù hợp với Bộ luật này và để áp dụng quy định của Bộ luật này.

Giao dịch dân sự đang được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy dịnh của Bộ luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11”.

Điểm a nêu trên quy định cho trường hợp giao dịch có “nội dung, hình thức khác” với quy định của bộ luật mới. Tuy nhiên, cần lưu ý là đây là quy định cho các ‘chủ thể giao dịch” tức là những người tham gia vào giao dịch, chứ không phải quy định áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp.
Điểm b của khoản 1 Điều 688 quy định: “Giao dịch dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật này”.

Điểm b này không nêu rõ quy định giành cho các chủ thể của giao dịch như điểm a nhưng việc có vị trí tiếp theo điểm a, quy định cùng về vấn đề giao dịch xác lập trước khi bộ luật mới có hiệu lực, “chưa thực hiện” hoặc “đang thực hiện”, chỉ khác là trường hợp có nội dung, hình thức giao dịch phù hợp với bộ luật mới thì cần được hiểu đây cũng là quy định cho chủ thể của giao dịch; không phải quy định áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp.

Điểm c khoản 1 Điều 688 quy định: “Giao dịch dân sự được thực hiện xong trước ngày Bộ luật này có hiệu lực mà có tranh chấp thì áp dụng quy định của Bộ luật số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 để giải quyết”.

Quy định của điểm c là áp dụng pháp luật “để giải quyết” tranh chấp. Đây là khác biệt cơ bản so với quy định của điểm a và điểm b. Nhưng quy định “để giải quyết” này mới chỉ cho trường hợp giao dịch dân sự “được thực hiện xong” trước ngày bộ luật mới có hiệu lực. Như vậy, trường hợp giao dich dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện thì Điều 688 không có quy định áp dụng pháp luật nào để giải quyết tranh chấp. Do Điều 688 không có quy định, vấn đề này sẽ phải trở lại áp dụng luật chung là Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Như vậy, trường hợp giao dịch dân sự xác lập trước khi bộ luật mới có hiệu lực mà chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện thì phải áp dụng pháp luật ở thời điểm xác lập để giải quyết tranh chấp.

4. Việc áp dụng những quy định chuyển tiếp trong Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP

Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm đã có một số nội dung quy định chuyển tiếp. Nội dung hướng dẫn về quy định chuyển tiếp trong Nghị quyết 01/2019 cũng thể hiện nguyên tắc áp dụng pháp luật của Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nghị quyết 01/2019 có những quy định về khái niệm có thể tham khảo khi áp dụng quy định chuyển tiếp của Điều 688 như: hợp đồng được thực hiện xong; hợp đồng chưa được thực hiện; hợp đồng đang được thực hiện; hợp đồng có quy định phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015…

Từ quy định của Nghị quyết 01/2019, vướng mắc từ Ví dụ 2 nêu trên đã được hướng dẫn. Đây là hợp đồng vay tiền không phải hợp đồng tín dụng đang được thực hiện ở thời điểm Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực (01/01/2017). Đây cũng là hợp đồng có thỏa thuận về lãi suất phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2015 (mức lãi suất 18%/năm không vượt quá mức 20%/năm). Theo hướng dẫn của Nghị quyết 01/2019 thì lãi được tính trong khoảng thời gian từ 01/5/2015 đến 31/12/2006 phải theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 là 13,5 %/năm; từ 01/01/2007 đến khi xét xử sơ thẩm phải theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 là 18%/năm.

Có điểm đáng chú ý là tại Điều 688 chỉ nói đến Bộ luật Dân sự năm 2015 (Bộ luật này) và Bộ luật Dân sự năm 2005 (Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11) nhưng tại Nghị quyết 01/2019 lại quy định áp dụng cả Bộ luật Dân sự năm 1995. Điều này không trái nguyên tắc là điều khoản chuyển tiếp chưa quy định thì áp dụng quy định chung của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

5. Những vướng mắc cần tiếp tục giải quyết về quy định chuyển tiếp.

Nghị quyết 01/2019 đã có quy định để giải quyết Ví dụ 2, nhưng Ví dụ 1 nêu trên, cần phải được giải quyết như thế nào?

Có ý kiến cho rằng: Xác định tính chất của giao dịch (vô hiệu hay có hiệu lực, vô hiệu thuộc loại nào) thì căn cứ theo pháp luật ở thời điểm giao kết hợp đồng; xử lý hậu quả thì phải căn cứ vào pháp luật ở thời điểm xử lý. Vì vậy, trong Ví dụ 1, thời điểm giải quyết tranh chấp đã là thời kỳ thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015 nên có thể áp dụng Điều 129 để công nhận hợp đồng vì bên mua đã thi hành trên 2/3 nghĩa vụ trả tiền.

Cũng có ý kiến cho rằng: Việc giao kết hợp đồng ở thời điểm thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005 và Luật Nhà ở năm 2005 nhưng việc trả tiền là ở thời kỳ thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015 (trả 800 triệu vào năm 2017) nên phải xử lý việc trả tiền này theo Bộ luật Dân sự năm 2015.

Cần lưu ý rằng: Một quy phạm pháp luật đều có phần giả định, phần quy định, phần chế tài. Về kỹ thuật, nhà làm luật có thể thể hiện phần chế tài vào một nhóm nhưng về thực chất thì quy phạm pháp luật vẫn có 3 phần như nêu ở trên. Áp dụng một quy phạm pháp luật là áp dụng cả 3 quy định về giả định, quy định, chế tài. Một giao dịch được quy định là vô hiệu hay có hiệu lực đã đi kèm theo quy định về xử lý. Do vậy, không thể hiểu là khi giải quyết thì áp dụng pháp luật ở thời điểm giải quyết hoặc có hành vi xảy ra ở thời điểm luật mới là đương nhiên được áp dụng hồi tố. Do đó, trường hợp của Ví dụ 1 phải áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2005 và Luật Nhà ở 2005 tuyên bố hợp đồng vô hiệu do vi phạm quy định về hình thức của hợp đồng; ấn đinh một thời hạn để các bên hoàn thiện về hình thức, nếu vẫn không hoàn thiện về hình thức phải tuyên bố hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả tuyên bố vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005.

Có thể tóm lại là: Trừ những trường hợp đã được quy định tại Điều 688 và các văn bản pháp quy hướng dẫn (như Nghị quyết 01/2019), việc áp dụng pháp luật phải theo nguyên tắc áp dụng pháp luật ở thời điểm thực hiện hành vi, kể cả quy định về trách nhiệm từ hành vi đó.

 Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (https://tapchitoaan.vn)

CHU XUÂN MINH ( Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao)

Shopping Basket